Thần Thông Và Nghiệp 06/09/2010 
Cố Thiền sư Thánh Nghiêm trong khi giảng về Tứ Như Ý Túc còn gọi là Tứ Thần Túc gồm có Dục Như Ý Túc, Tinh Tấn Như Ý Túc, Nhất Tâm Như Ý Túc, Quán Như Ý Túc có bàn luận về thần thông và nghiệp quả.
Bài này chỉ dịch phần liên hệ đến thần thông và nghiệp của Thiền sư Thánh Nghiêm như sau:
Tiếng
Phạn gọi phần thực hành thứ ba trong 37 Phẩm Trợ Đạo là Riddhipada nghĩa là những bước đưa đến thần thông, được dịch ra tiếng Hán là Tứ Thần Túc. Túc ở đây là bước chân. Thần có nghĩa là thần thông có ý nói đế cái năng lực biến hóa, như chuyẻn vận được những đồ vật hay thay đổi được hình tướng, vân vân. Nói một cách tổng quát thần thông là cái năng lực có thể làm biến hóa một vài hiện tượng một cách kỳ lạ hay huyền bí.
Chúng
ta thấy trong kinh điển có nói đến những thần thông của bậc La hán, Bồ tát, và Phật. Có những đoạn diễn tả đức Phật phóng hào quang khi nói pháp hoặc làm các thế giới khác hiển hiện ra trước mắt. Ngay những vị La
hán tuy không thể nói pháp được mà vẫn có những thần thông như nhấc người khỏi mặt đất khi đang ngồi thiền, thay đổi phương vị, hình dáng lớn nhỏ, vân vân. Những người đã chứng kiến những sự biến hóa đó nhiều khi cảm thấy rất kính sợ, họ có thể quỳ lạy đảnh lễ và tỏ ra rất kính trọng cho đó là một bậc chân tu, một thánh tăng.
Không phải chỉ có những ngươì tu hành tinh thông trong Phật giáo mới có những năng lực siêu phàm. Người ngoại giáo khi thực hành thiền định cũng có thần thông. Có những người mặc dù định lực còn kém, họ cũng có thể thấy được ánh sáng, nghe được tiếng nói, ngửi được mùi thơm vân vân, nhưng đó không phải là năng lực siêu phàm. Những người đó thường không thể làm chủ được những năng lực của họ, chúng đến và đi như trong cơn mê. Thật ra cũng chẳng cần phải nhập định mới có được những năng lực như
vậy, có thể những người đó dễ bị chiêu cảm bởi những việc như thế. Thật
ra đó chỉ là những ảo giác.
Chỉ những người nhập được định thâm sâu và những người đã đạt được đến tứ thiền và bát định (4 định của tứ thiền
thuộc sắc giới và 4 định thuộc vô sắc giới) mới làm chủ được các năng lực thần thông. Người thật sự có thần thông có thể làm được những kỳ công của người khác khi họ muốn. Dưới cái nhìn của Phật giáo thì không phải có được những thần thông đó là có được sự giải thoát. Thấy thì hấp dẫn nhưng những thần thông đó không phải lúc nào cũng hữu ích, trái lại nhiều khi còn đem đến những trở ngại; tự chúng không có gì đáng tin cậy mà nhiều khi chỉ là ảo tưởng thôi. Ví dụ, người ta có thể có cái năng lực biết được quá khứ, đoán được tương lai, hay là có thể thấy được những việc đang xẩy ra ở nơi khác. Người ta có thể nhìn được những vật được dấu kín, đọc được tâm tư người khác. Những khả năng như vậy xem ra có vẻ rất hữu ích, nhưng chúng chỉ phần lớn đem lại sự thích thú
và hãnh diện cho người xử dụng. Thấy được tương lai có thể hữu dụng
đấy nhưng thật ra tương lai bị chi phối bởi nhân duyên và nhân quả; cái
gì có thể xẩy ra hoặc không thể xẩy ra đều bị chi phối bởi nghiệp. Nếu cố sức làm thay đổi nghiệp bằng thần lực thì sẽ không thành công vì như thế là trái với luật nhân quả.
Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy lẫn Đại thừa có ghi nhận sự xử dụng thần thông. Nhưng đức Phật đã làm gì khi ngài đói? Ngài có biến ra thức ăn hay bảo các thần linh làm đại tiệc cho ngài không? Không, ngài ôm bình bát đi khất thực. Sau khi ngài đắc đạo, ngài đi từ làng này sang làng khác rao giảng Phật pháp. Ngài không bay trên không. Ngài không dùng thần thông để biến hóa ra tu viện, mà ngài phải nhờ vào sự phát tâm của cư sĩ để xây dựng chùa chiền,
cung cấp y áo, thức ăn và thuốc men cho tăng đoàn. Trước khi nhập Đại Niết Bàn, chắc quý vị cũng có đọc qua, ngài nhận đồ ăn cúng dường bị nhiễm độc. Quý vị nghĩ rằng ngài có thể dùng năng lực thần thông để biết
đồ ăn bị nhiễm độc, nhưng không ngài đã ăn và bị ngộ độc. Như thế cho thấy là cho dù đức Phật có thần thông nhưng ngài không lấy đó để phục vụ
cho riêng ngài.
Một đại đệ tử của Phật là Mục Kiền Liên là vị có thần thông bậc nhất. Trong số đệ tử của Phật có Liên Hoa Sắc cũng nổi tiếng vì những thần thông của bà. Nhưng cả hai sau cùng đều bị hãm hại đến chết vì tà phái. Với các thần thông đó, họ có thể thoát khỏi những hãm hại của đối phương nhưng họ không thể làm được vì thần thông không thể thay đổi được nghiệp quả.
Tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta thực hành thiền không phải để có thần thông mà là để đạt được giải thoát. Chúng ta bắt đầu 37 phẩm trợ đạo bằng Tứ Niệm Xứ để làm lắng dịu tâm tư của chúng ta, và để biết rõ sự sanh diệt của các tư tưởng trong tâm tư của chúng ta. Sau đó chúng ta thực tập Tứ Chánh Cần cùng với tứ Niệm Xứ để luôn có một sự chuyên cần. Cứ thực tập quán sát như thế thì trí huệ sẽ phát khởi. Tuy vậy nếu không có đủ định lực (samadhi) thì trí huệ có được sẽ không ăn sâu chắc chắn được. Chúng ta phải phát triển năng lực thiền định để cho sự hiểu biết của chúng ta có một nền tảng vững chãi. Muốn như thế chúng ta phải thực hành thiền.
Xem như thế chúng ta không thể ỷ lại bằng bất cứ năng lực thần thông nào dù từ bên ngoài như từ những khấn nguyện của các đạo sư hoặc ở những năng lực tưởng là thần thông của chính chúng ta vì tất cả chỉ là ảo giác do những chiêu cảm gây
ra bởi các nghiệp lực chằng chịt. Chúng ta phải dốc lòng tinh tấn giữ giới, gia công tinh tấn hành thiền để có một định lực vững chắc giúp chúng ta vượt ra khỏi những chiêu cảm khiến chúng ta không làm chủ được chính mình, luôn ỷ lại vào tha lực để không thể rời khỏi bờ mê mà đến được bến giác.
Trí Châu