- Những sắc thái đặc thù của Phật giáo - Nguyễn Trần Ai

22/02/201212:00 SA(Xem: 8609)
- Những sắc thái đặc thù của Phật giáo - Nguyễn Trần Ai



NHỮNG SẮC THÁI ĐẶC THÙ CỦA PHẬT GIÁO

 

Nguyễn Trần Ai


Bài I. Bản Thân Đức Phật

Chương IV. Câu Thi Na

Tiết IV. Giáo Điển

 

IV.3.F. DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH (Saddharmapundarīka-sūtra, Nhật: Hokkekyo) gọi tắt nữa là kinh Pháp Hoa, gọi đầy đủ là Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, là kinh căn bản của Thiên Thai Tông, do Đức Phật giảng trên đỉnh Linh Thứu, ghi lại trong 28 phẩm: 1/ Tựa, 2/ Phương tiện. 3/ Thí dụ, 4/ Tín giải, 5/ Dược thảo dụ, 6/ Thọ ký, 7/ Hóa thành dụ, 8/ Ngũ bá đệ tử thọ ký, 9/ Thọ học vô học nhân ký, 10/ Pháp sư, 11/ Hiện bảo tháp, 12/ Đề Bà Đạt Đa, 13/ Trì, 14/ An lạc hạnh, 15/ Tùng địa dũng xuất, 16/ Như Lai thọ lượng, 17/ Phân biệt công đức, 18/ Tùy hỉ công đức, 19/ Pháp sư công đức, 20/ Thường Bất Khinh bồ tát, 21/ Như Lai thần lực, 22/ Chúc lụy, 23/ Dược Vương bồ tát bổn sự, 24/ Diệu Âm bồ tát vãng lai, 25/ Quán Thế Âm bồ tát phổ môn, 26/ Đà la ni, 27/ Diệu trang nghiêm bổn sự; 28/ Phổ Hiền bồ tát khuyến phát.


 Phẩm 16 quan trọng nhất. Phẩm 25 sau thành một bộ kinh độc lập gọi là “Quan Âm Kinh”, còn được đọc tụng cho tới ngày nay ở Tàu và Nhật.

 Ý niệm “Nhất Thừa” bàng bạc trong Kinh tạo ảnh hưởng lớn trong Phật giáo Nhật. Kinh được thái tử Thánh Đức (Shotoku taishi: 574-622) viết phần chú giải gọi là “Pháp Hoa Nghĩa Sớ” thuộc bộ “Tam Kinh Nghĩa Sớ” (Sankyo gisho) của ông. Trường phái Nichiren của Nhật và các hệ phái đã thêm hai chữ “Nam Mô” vào nhan đề kinh này và trở thành “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.”
Bassui Tokusho (1327-1387) là thiền sư Bạt Đội Đắc Thắng, lúc lên sáu, thân phụ của sư đã mất được 3 năm, sư xem một thiền sư cúng lễ cầu siêu, sư hỏi: “Cha con đã chết, không còn hình tướng làm sao ăn được?” Thiền sư đáp: “Thân thể đã tiêu nhưng linh hồn vẫn đến nhận vật cúng dường”. Sư khởi mối nghi -- mà về sau thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin ekaku: 1686-1769) gọi là Đại Nghi Đoàn (Nhật: Dai-gidan) -- đi tìm đạo, được thiền sư Cô Phong Giác Minh (Koho kakushi: 1271-1361) thuộc Lâm Tế Tông (Rinzaishu), dòng Tâm Địa Giác Tâm (Sinchi kakushin), hướng dẫn, truyền tâm ấn và ban cho pháp danh Bạt Đội, nghĩa là vượt qua bọn phàm phu trung bình.

Bassui Tokusho giảng Kinh Pháp Hoa:

Hỏi: Thế nào là ý nghĩa của câu nói trong kinh: “Nếu có người nào lâu năm hành trì như sau: thọ trì, đọc tụng, tuyên dương, và ghi chép lại kinh này sẽ được công đức vô lượng, vô biên”?

Bassui: Đó có nghĩa là người ấy đã kiến tánh thành Phật, ngay bây giờ và ở đây. Thọ trì là nói về bản tánh của tâm. Bản tánh này đều như nhau nơi thánh cũng như phàm. Trong mỗi người chúng ta đều vốn đã có sẵn chân tánh tròn đầy. Tin tưởng và hiểu sự quan trọng của chân tánh ấy là ý nghĩa của đọc tụng kinh. Diễn trừ mọi diễn giải biện luận và tuyệt mọi tư tưởng, khai ngộ bản tánh của mình là ý nghĩa của tuyên dương kinh. Được thọ ký khai ngộ là ý nghĩa của ghi chép kinh.


Hỏi: Nếu năm hành trì ấy đều chỉ là ở nơi một tâm và không cần đến ngôn ngữ, lý do gì khiến có nhiều kinh thuyết lời Phật giảng như vậy? 

 Bassui: Nếu không có những kinh đó, làm sao những người còn chấp nơi tướng có thể học được rằng không có pháp nào là ngoài tâm?

Hỏi: Nếu năm hành trì ấy đều là như vậy với bất cứ kinh nào, tại sao hầu hết người ta lại chọn kinh Pháp Hoa?

Bassui: Năm chữ tựa đề Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đều đã bao hàm năm hành trì đó như sau:

 Thọ là ở trong ý nghĩa chữ Diệu

 Trì là ở trong ý nghĩa chữ Pháp

 Đọc tụng là ở trong ý nghĩa chữ Liên

 Tuyên dương là ở trong ý nghĩa chữ Hoa

 Ghi chép là ở trong ý nghĩa chữ Kinh.

(Lưu Ly. “Bùn và Nước”, Trúc Lâm số 34: 62-3).


Giáo sư Mark A. Ehman giải thích kinh Diệu Pháp Liên Hoa:

Pundarika là một hoa sen: sad từ chữ sat nghĩa là chân hay thực; Dharma là một từ ngữ không dịch được (tuy rằng thường hay được dịch là Luật hay Giáo lý) chỉ toàn thể giáo lý và sự mong đợi của Phật giáo. Do đó tập hợp Saddharmapundarika nghĩa là Diệu Pháp Liên Hoa hay giản dị là Liên Hoa Kinh. Ngụ ý của tên gọi là hoa sen là tinh túy của cái Đẹp và tiêu biểu cho sự kết trái của diễn tiến tăng trưởng. Tương tự như thế, Liên Hoa Kinh là tinh túy của giáo lý Đại Thừa phổ quát và hiển thị tối hậu của Phật giáo chân chính.

Đức Phật tuyên bố: “Này Xá Lị Phất (Sariputra), bằng nhất thừa, đó là Phật thừa, ta dạy chúng sinh Pháp; không có thừa thứ hai, cũng chẳng có thừa thứ ba”. Phật Thừa (Buddha-yana) này có đặc điểm là một giáo lý ngoài mọi suy luận, một tri thức toàn tri. Thường hiểu những biến loại của tôn giáo như là một phân chia ba lớp:

1. Sravaka-yana -- Thanh Văn Thừa. Đây là thừa của những ai phải theo một giáo huấn có thẩm quyền để đạt Niết Bàn.

2, Pratyekabuddha-yana -- Bích Chi Phật Thừa. Đây là hành trình của những ai tự là thầy của chính mình và cầu Niết Bàn cho riêng mình mà thôi.

3. Bodhisattva-yana -- Bồ Tát Thừa của những ai cầu

 cứu rỗi cho mọi chúng sinh.

Cách phân làm ba này tuy thế chỉ là để tiện việc, một nhân nhượng đối với tật cận thị của con người. Chính ra không có phân chia.

Tuy rằng có thể có vẻ như có nhiều giáo lý của Đức Phật đôi khi mâu thuẫn nhau nhưng thực ra chỉ có một Chân Pháp.

Người ta có những năng khiếu và cách hiểu khác nhau… Quan niệm hạn hẹp của họ là do những mức độ khác nhau của vô minh. Để thắng cái vô minh này và để bảo đảm giác ngộ cho chúng sinh với những năng khiếu khác nhau, Đức Phật hoằng dương những giáo lý khác nhau vào những thời khác nhau. Do đó bất cứ những mâu thuẫn bề ngoài nào có thể hiện ra trong giáo lý đều không do tính nghịch lý của tôn giáo; đúng ra chúng do những nỗ lực cố ý của Đức Phật để tự thích ứng với những loại người khác nhau. Những hình thức giáo lý tùy nghi của Phật gồm chín phần:

1. Sutra -- đàm luận

2. Geya – tường thuật và tiết trộn lẫn

3. Vaiyakarana -- tiên đoán

4. Gatha -- bài ca

5. Udana -- phát ngôn trọng thể

6. Ityukta -- tục ngữ (nghĩa đen, đọc câu "như

 vầy đã nói")

7. Jataka -- truyện những kiếp trước

8. Adbhutadharma -- truyện phép lạ

9. Vaipulya -- truyện dài [phương quảng]

(The Saddharmapundarika-Sutra trong Buddhism: A Modern Perspectrive, 102-4).

 Có nhiều bản Hán dịch từ nguyên bản Phạn ngữ, hiện lưu hành thì có ba:Chánh Pháp Hoa Kinh” 10 quyển của Trúc Pháp Hộ dịch tại Đôn Hoàng, khoảng năm 300, đời Tây Tấn niên hiệu Thái Khang, “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” 8 quyển của Cưu Ma La Thập dịch tại Trường An khoảng năm 396-7, đời Diêu Tần niên hiệu Hoằng Thủy và Long An,Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” của Xà Na và Cấp Đa dịch tại chùa Đại Hưng Thiện, khoảng năm 601, đời Tùy niên hiệu Nhân Thọ.

Các bản Việt dịch có: “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” của cụ Đoàn Trung Còn dịch vào năm 1936, “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa” của HT Thích Trí Tịnh, xuất bản năm 1948.

Các bản giảng kinh Pháp Hoa có: “Pháp Hoa Văn Cú” của Trí Giả còn gọi là Trí Khải (Zhìkăi: 638-597) đại sư, tổ thứ tư của Thiên Thai Tông, nhưng được coi là vị thật sự sáng lập tông này, “Pháp Hoa Nghĩa Sớ” và “Pháp Hoa Du Ý” của Kiết Tạng, “Pháp Hoa Huyền Tán” của Khuy Cơ (Kuijí: 632-682) là đệ tử của Huyền Trang, cùng Huyền Trang lập ra Pháp Tướng Tông, “Pháp Hoa Tông Yếu” của Ngươn Hiểu,Pháp Hoa Tông Chỉ Đề Cương” của Đạo Tuân Minh Chánh thiền sư trụ trì chùa Bích Động, Ninh Bình, hoàn tất dưới triều Minh Mạng, “Pháp Hoa Cương Yếu” của HT Thích Trí Tịnh, “Pháp Hoa Huyền Nghĩa” của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải” của HT Thích Thanh Từ, “Pháp Hoa Kinh Thâm Nghĩa Đề Kinh” của TT Thích Từ Thông soạn năm 1986 để làm giáo án trường cao cấp Phật học.

 Nối tiếp vào chương sau cùng của “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” có bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Bà Đề Xá (Saddharmapundarìkopadésa) 2 quyển do Vasubandhu (Bà Số Bàn Đậu) soạn thảo, Bodhiruchi (Bồ Đề Lưu Chi) và T’an-lin (Đàm Lâm) dịch. Chữ “ưu bà đề xá” (Phạn = upadesa) có nghĩa là “chú giải” vì vậy kinh này là chú giải về Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Tuy nhiên, bản Liên Hoa Kinh mà nó căn cứ vào đó để chú giải khác với bản Hán dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh của Cưu Ma La Thập nhưng rất giống bản Liên Hoa Kinh tiếng Nê Bạc Nhĩ (Nepal).

 

IV.3.G. ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT NGHIÊM HOA KINH (Phạn: Buddhavatamsaka-mahavaipulya-sutra; Nhật: Daiho kobutsu kegonkyo), gồm 81 quyển, dài nhất là phẩm Hoa Nghiêm (Gandavyuha) nên cũng gọi tắt là Hoa Nghiêm Kinh (Gandavyuha hay Avatamsakasutra). Tàu và Tây Tạng gọi phẩm này là “Nhập Pháp giới” (dharmadhatupravesa).

 Nguyên bản Phạn ngữ của Kinh bị thất lạc, nay chỉ còn các bản Tạng dịch và Hán dịch. Có 3 bản Hán dịch: bộ 40 quyển gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm của pháp sư Bát Nhã (Prajna), bộ 60 quyển của Giác Hiền và bộ 80 quyển của Thật Xoa Nan Đà.

 Thanh Lương đại sư (738-839), tổ thứ tư tông Hoa Nghiêm, pháp húy Trừng Quán, hiệu Đại Hưu, xuất gia năm 14 tuổi với Bái thiền sư chùa Bảo Lâm, năm 776 chuyên tu Phương Đẳng Sám Pháp tại chùa Đại Hoa Nghiêm ở Ngũ Đài, giảng kinh Hoa Nghiêm rất nhiều lượt, tham gia dịch trường Tứ Thập Hoa Nghiêm của ngài Bát Nhã và viết Trinh Nguyên Tân Dịch Hoa Nghiêm Kinh Sớ 10 quyển, năm 799 được vua thỉnh vào điện giảng kinh Hoa Nghiêm, vua bỗng nhiên giác ngộ, cho rằng “diệu pháp làm mát lòng trẫm” nên ban đức hiệu Thanh Lương Quốc Sư. Chú sớ của đại sư về kinh Hoa Nghiêm rất nhiều.

 Giác Hiền tức Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra: 359-429) là cao tăng Ấn Độ, người thành Na Ha Lợi, con cháu họ Thích, thuộc dòng dõi Cam Lộ Phạn Vương. Sư xuất gia năm 7 tuổi, đặc biệt giỏi về Thiền và Luật, cùng với Tăng Già Bạt Đà La, đến Kế Tân thọ pháp với ngài Phật Đại Tiên, sau nhận lời thỉnh của Vân Hoa Trí Nghiễm (602-668), đến Trường An hoằng pháp năm 408. Vì không quen với phong tục Trường An và không hợp với các đệ tử của La Thập nên Sư cùng hơn 40 đệ tử rời Trường An đến ở Lô Sơn với Sơ Tổ Tịnh Độ Huệ Viễn (334-416). Năm 415, Sư đến chùa Đạo Tràng, Kiến Khang (nay là Nam Kinh), dịch Lục Thập Hoa Nghiêm, cùng ngài Pháp Hiển dịch Luật Ma Ha Tăng Kỳ, Đại Bát Nê Hoàn kinh, tất cả gồm 13 bộ, 125 quyển.
Thật Xoa Nan Đà (Siksananda: 652-710), người xứ Vu Điền (nay thuộc tỉnh Tân Cương), năm 652, đem Phạn bản kinh Hoa Nghiêm đến Tàu, cùng Bồ Đề Lưu Chi, Nghĩa Tịnh… dịch sang Hán văn tại chùa Đại Biến Không. Sư còn dịch nhiều bản kinh Đại Thừa khác. Ngài Đỗ Thuận (557-560) truyền bá Kinh và thành lập Hoa Nghiêm Tông

 Kinh ghi lại bài thuyết đầu tiên của Đức Phật sau khi Ngài chứng ngộ dưới cây bồ đề, khai triển thuyết duyên khởi, trình bày rằng toàn thể vũ trụ bắt nguồn từ cảm lực của Phật Tì Lô Giá Na (Vairocana), dạy tính “vô ngại” của mọi hiện tượng, rằng tất cả mọi vật có thể bao hàm trong một vật duy nhất, dẫn tới một thế giới quan đặt căn bản trên ý niệm về sự tương quan tương hợp của tất cả mọi sự vật và chủ trương rằng tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật.

 Một phần độc lập và quan trọng của Hoa Nghiêm là Thập Địa Kinh (Dasabhumika sutra hay Dasabhumisvara) do bồ tát Kim Cương Tạng (Vajragarbha) trình bầy với Đức Phật các giai đoạn tu chứng:

 1/ Hoan hỉ địa (Paramudita-bhumi),

 2/ Ly cấu địa (Vimala-bhumi),

 3/ Phát quang địa (Prabhakari-bhumi),

 4/ Diện huệ địa (Arcismati-bhumi),

 5/ Cực nan thắng địa (Sudurjaya-bhumi),

 6/ Hiện tiền địa (Abhimukhi-bhumi),

 7/ Viễn hành địa (Durangama-bhumi),

 8/ Bất động địa (Acala-bhumi),

 9/ Thiện huệ địa (Sadhumati-bhumi),

 10/ Pháp vân địa (Dharmamegha-bhumi).

 Thế Thân (Vasubandhu) viết một bài luận về Thập Địa Kinh được Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci) dịch ra tiếng Tàu và thành kinh căn bản của Địa Luận Tông của Tàu. 

 Hoa Nghiêm tông lấy phẩm “Nhập Pháp giới” làm căn bản giáo lý. Phẩm này được Đức Phật thuyết tại thành Xá Vệ (Sravasti), tả cảnh Thiện Tài đồng tử (Sudhana) dưới sự hướng dẫn của Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśrī) đi tìm đạo, tham vấn 53 vị thiện trí thức kể cả ngài Di Lặc (Maitreya), cuối cùng Thiện Tài gặp được Phổ Hiền (Samantabhadra), được ngài giáo hoá và đạt Bồ đề. Đoạn cuối của phẩm này trình bày mười đại nguyện của Phổ Hiền, là cơ sở của đời sống Bồ Tát.

 Theo phẩm Nhập Pháp Giới, ở Phước Thành có một vị trưởng giả có năm trăm con trai, trong đó có một đứa bé tên là Thiện Tài. Lúc mới sanh ra, các thứ của cải trân dị từ đất vọt lên, do vậy đặt tên là Thiện Tài. Của cải ấy do công đức tu tập từ nhiều đời nên cảm ứng. Khi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát giảng pháp tại An La Lâm thuộc phía đông Phước Thành, Thiện Tài đến nghe, nghe xong bèn phát đại tâm. Tuân lời Bồ Tát dạy, Thiện Tài cứ đi mãi về phương Nam tham bái năm mươi ba vị thiện tri thức. Vị thiện tri thức số 28 chính là Quán Âm Bồ Tát. Vị thiện tri thức cuối cùng là Phổ Hiền Bồ Tát.

 Hoa Nghiêm tông rất thịnh hành ở Nhật, chùa chính yếu của tông là Đông Đại Tự (Todai-gi). Nhật hâm mộ Kinh đến nỗi con đường xa lộ dọc Đông Hải từ Đông Kinh (Tokyo) tới Kinh Đô (Kyoto) chia làm 53 chặng tương ứng với 53 vị thiện trí thức Thiện Tài Đồng Tử tham vấn.


 Cố HT Thích Duy Lực dịch hai bài kệ quan trọng của kinh Hoa Nghiêm:

Nếu người muốn biết rõ

Tất cả Phật tam thế

Phải quán tính Pháp giới

 Tất cả do tâm tạo.

 

 Nếu người muốn biết cảnh giới Phật

 Ý căn thanh tịnh như hư không

 Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ

 Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại.


IV.3.H. KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG NHƯ LAI TẠNG  

 Ba bộ kinh Như Lai Tạng Kinh, Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng Kinh và Đại bát Niết Bàn Kinh dạy rằng mỗi chúng sinh đều có Như Lai tạng, tức là Phật tính, Phật chủng (hạt giống Phật). Phật tính ở đây chính là khía cạnh của mỗi chúng sinh vốn đã giác ngộ và vì vậy có khả năng làm chúng sinh giác ngộ. Đây là một trong những ứng đáp quan trọng nhất từ phía Phật giáo cho vấn đề của nội tại và siêu việt. Giáo lý Như Lai tạng gây ảnh hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Đông Á và tư tưởng này có thể được tìm thấy - dưới dạng này hay khác - trong tất cả các trường phái Phật giáo tại đây.

 Bây giờ xin nói đến bộ Kinh Như Lai Tạng trước.

 Pháp sư Phật Đà Bạt Đà La người xứ Thiên Trúc, đời Đông Tấn dịch Kinh ra Hán văn. Tỳ kheo Thích Trí Thủ dịch ra Việt văn.

 Tôi nghe như vầy:

 Một hôm, đức Phật ở tại thành Vương Xá, trên núi Kỳ xà quật, trong tòa lâu đài Chiên đàn, giữa giảng đường Bửu nguyệt. Bấy giờ ngài thành Phật đã mười năm... Bấy giờ Thế Tôn đang nhập chánh định tam muội... biến hiện thần thông hóa ra vô số hoa sen ngàn cánh, lớn như vành xe, sắc hương đầy đủ, nhưng chưa nở hẳn. Trong tất cả các hoa sen đều có hóa Phật, đều bay lên giữa hư không, che lấp cả thế giới như những bửu cái. Mỗi hoa sen phóng ra vô lượng hào quang rồi đồng loạt tất cả các hoa sen cùng nở, tốt tươi xinh đẹp. Bỗng nhiên, Phật vận thần thông, trong chốc lát, tất cả hoa sen thảy đều tàn héo. Các vị Hóa Phật trong các hoa sen kia liền xếp chân ngồi kiết già, và hết thảy đều phóng ra vô số trăm ngàn hào quang chói lọi. Bấy giờ, thế giới ấy trở nên trang nghiêm tuyệt diệu, khiến toàn thể đại chúng hoan hỷ nhảy nhót. Những điều chưa từng có ấy cũng khiến đại chúng có niệm nghi ngờ, không biết vì lẽ gì, hết thảy các đóa hoa đẹp đẽ kia, hốt nhiên trở nên tàn úa hôi hám, không sao chịu được.

 Bấy giờ, đức Thế Tôn rõ biết niềm nghi của các vị Bồ tát và đại chúng, liền gọi ngài Kim Cang Huệ Bồ tát mà bảo rằng: "Này Thiện nam tử! Đối với Phật pháp còn chỗ nào nghi ngờ, cho phép ông được tỏ bày gạn hỏi?"

 Ngài Kim Cang Huệ Bồ Tát cũng biết hết thảy đại chúng đều có lòng nghi, liền bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn, vì nhơn duyên gì, trong vô số hoa sen đều có hóa Phật, rồi thảy đều bay lên giữa hư không che lấp cả thế giới, bỗng nhiên trong nháy mắt hoa nào hoa nấy đều tàn héo, chỉ còn có hóa Phật ngồi phóng vô số trăm ngàn hào quang, khiến tất cả hội trường này đều trông thấy và đều chấp tay cung kính?"...

 Bấy giờ, Thế Tôn bảo ngài Kim Cang Huệ và đại chúng Bồ tát rằng: “Này các Thiện nam tử! Có kinh Đại Phương Đẳng tên là Như Lai Tạng. Ta sắp nói cho đại chúng nghe nên hiện ra điềm ấy. Các ngươi nên lắng nghe và chín chắn suy xét!”

 Đại chúng thảy đồng thanh bạch Phật: "Sung sướng thay, chúng con xin hoan hỷ đợi nghe".

 Phật dạy: "Này các Thiện nam tử! Như ta biến hóa vô số hoa sen, rồi hốt nhiên sen kia tàn úa, chỉ còn lại vô lượng hóa Phật ngồi kiết già trong hoa, tướng tốt trang nghiêm, phóng ra hào quang rực rỡ; đại chúng trông thấy việc hy hữu ấy, đều sanh lòng cung kính. Này các Thiện nam tử! Như vậy là ta dùng Phật nhãn quán sát tất cả chúng sanh đang ngụp lặn trong phiền não tham dục, sân nhuế, ngu si, nhưng vốn sẵn có trí Như lai, mắt Như lai và thân Như lai, xếp chân ngồi kiết già, nghiễm nhiên bất động. Này các Thiện nam tử: Hết thảy chúng sanh tuy mang thân phiền não, ra vào sáu đường mà vẫn có Như lai tạng thường không nhiễm ô. Đức tướng của Như lai tạng ấy đầy đủ như ta không khác. Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như người có thiên nhãn, khi trông hoa chưa nở mà đã thấy được trong hoa kia có toàn thân Như lai ngồi xếp chân kiết già, thì khi trừ bỏ hoa héo đi, liền được thân Như lai hiển hiện. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta đã thấy Như lai tạng của chúng sanh, lại muốn Như lai tạng ấy hiển hiện, vì thế mà nói kinh pháp. Nói kinh pháp là để diệt trừ phiền não, khiến hiển hiện Phật tánh. Này các Thiện nam tử! Pháp của hết thảy chư Phật là vậy đó. Dù Phật có ra đời hay không ra đời, hột giống Như lai tàng trữ trong mỗi một chúng sanh vẫn thường trú bất biến. Hột giống Như lai không xuất hiện được chỉ vì phiền não che lấp. Như Lai ra đời, rộng nói các kinh pháp, là chỉ nhắm trừ diệt trần lao, tịnh hóa nhứt thế trí. Này các Thiện nam tử! Nếu có Bồ tát nào vui tin pháp này nên chuyên tâm tu học, sẽ được giải thoát, thành bậc Đẳng chánh giác, thi hành Phật sự, lợi lạc cho khắp cả thế gian"...

 "Lại nữa, các Thiện nam tử! Ví như mật ngọt tinh hảo ở trong bộng cây, có vô số ong đoanh vây gìn giữ. Lúc ấy có người dùng trí xảo phương tiện, trước tất phải đuổi bầy ong kia đi hết, rồi sau mới lấy chất mật ngọt ra, tùy ý sử dụng, hoặc đem tặng bà con kẻ xa người gần. Này các Thiện nam tử! Cũng như vậy đó, tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng như mật ngọt kia ở trong bộng cây. Như lai tạng bị phiền não che lấp cũng như mật kia bị bầy ong vây kín. Ta đem Phật nhãn mà quan sát đúng như sự thật rồi dùng phương tiện thích nghi tùy cơ nói pháp, để diệt trừ phiền não, khai thông tri kiến Phật rồi thi hành Phật sự cho khắp cả thế gian"...

 "Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như có loại ngũ cốc, khi chưa xay giã, kẻ bần ngu khinh tiện cho là vật bỏ nhưng đến khi xay giã tinh sạch rồi, đó là món ăn thường được cung tiến nhà vua ngự dụng. Này các Thiện nam tử! Cũng như vậy đó, ta đem Phật nhãn quán sát mọi loài chúng sanh bị vỏ phiền não che khuất vô lượng tri kiến Như lai, Cho nên, dùng mọi phương tiện, tùy từng căn cơ để nói pháp, khiến trừ diệt phiền não, tịnh hóa nhất thế trí, làm bậc Tối Chánh Giác trên khắp thế gian"...

 "Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như vàng ròng rơi vào hầm xí, lấm dơ nhiều năm, trông rất ghê gớm, nhưng chất vàng không mất, nào ai biết hay! Người có mắt thiên nhãn nhìn vào bèn bảo các người khác rằng: Trong hầm xí này có khối vàng ròng rất quí, các người nên lấy ra mà tùy ý sử dụng. Như vậy, này các Thiện nam tử! Hầm xí dơ bẩn kia chính là vô lượng phiền não; khối vàng ròng quý báu chính là Như lai tạng; người có mắt thiên nhãn tức là Như Lai. Vậy nên Như Lai tùy cơ thuyết pháp, hướng dẫn chúng sanh trừ bỏ phiền não, đặng thành chánh giác, rồi thi hành Phật sự"...

 “Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như hột yêm ma la, mầm cây trong hột còn tốt, đem gieo nó xuống đất, mầm cây nứt lên và sau thành cây đại thọ. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta đem Phật nhãn quán sát tất cả chúng sanh, thấy có Như lai bửu tạng nằm trong bọc vô minh, như mầm cây nằm trong hột. Này các Thiện nam tử! Cái hột giống Như lai trong sáng mắc mỏ kia, tích tụ trí huệ lớn lao, niết bàn vắng lặng, tên gọi là " Như lai ứng cúng đẳng chánh giác". Này các Thiện nam tử! Ta quán sát chúng sanh như thế rồi, nên tỏ bày nghĩa ấy để khai thị cho các hàng đại bồ tát biết mà tịnh hóa Phật trí"...

 "Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như có người mang cái tượng bằng vàng ròng đến một nước khác, gặp đường hiểm trở, sợ bị giặc cướp chiếm đoạt, bèn lấy giẻ rách bọc lại, khiến đừng ai hay biết. Bất ngờ giữa đường, người kia hốt nhiên bị bịnh mà chết.

 Lúc bấy giờ, cái bọc tượng vàng kia cũng bỏ lăn lóc ngoài nội. Người qua kẻ lại giày đạp lên trên, cho là đồ dơ. Gặp người có thiên nhãn, thấy được trong bọc rách nhớp kia có cái tượng bằng vàng ròng, liền tháo bọc lòi ra, mọi người trông thấy đều sanh tâm cung kính hoan hỷ. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta thấy chúng sanh bị phiền não nhiễu nhương, trôi lăn trong đêm dài sanh tử, chịu vô lượng khổ đau, nhưng Như lai tạng tánh ở trong thân vẫn nghiễm nhiên thanh tịnh như ta không khác. Vậy nên ta nói pháp cho chúng sanh nghe, khiến đoạn trừ phiền não, tịnh hóa trí Như lai, rồi trở lại hóa đạo cho tất cả thế gian"...

 "Lại nữa, này Thiện nam tử! Ví như thợ đúc đúc tượng bằng vàng. Đúc xong, cả khuôn lẫn tượng đều bỏ lăn lóc giữa đất, chờ cho khuôn nguội. Bề ngoài tuy trông xấu xa đen bẩn, bên trong tượng vàng vẫn không đổi sắc. Tháo khuôn bày tượng ra rồi, lau chùi đánh bóng, sắc vàng hiển hiện vô cùng chói lọi! Như vậy, này các Thiện nam tử! Như Lai quán sát tất cả chúng sanh đều có Phật nằm trong thân, đầy đủ vô biên đức tướng. Quán như thế rồi, chỉ bày lại cho chúng sanh thấy rõ, trong lòng được khoan khoái mát mẻ. Các chúng sanh kia giác ngộ tu tập, dùng trí huệ kim cang công phá phiền não, khai xuất thân Phật như người thợ đúc tháo khuôn để lấy tượng vàng ra"...

 Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Kim Cang Huệ Bồ tát rằng: "Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhơn, xuất gia hay tại gia, thọ trì đọc tụng, sao chép cúng dường và giảng giải cho mọi người nghe kinh Như lai tạng này, sẽ được công đức không thể kể xiết. Này Kim Cang Huệ! Nếu có người phát tâm Bồ tát, vì Phật đạo mà siêng năng tinh tấn tu tập thần thông, nhập định tam muội để vun bồi cội đức, lại phát tâm cúng dường hằng hà sa số quá khứ, hiện tại chư Phật, tạo lập hằng hà sa số lâu đài thất bửu, cao mười do tuần, ngang dọc mỗi bề rộng một do tuần chưng bày vật dụng ghế bàn giường nệm, đủ các thức tân kỳ đẹp đẻ, ngày ngày tạo lập hằng hà sa số lầu đài như thế để hiến cúng từng đức Như lai cùng các Bồ tát, Thanh văn đại chúng, rồi cứ thế tiếp tục mãi mãi theo thứ lớp mà tạo lập hơn năm mươi hằng hà sa số lâu đài để cúng dường hơn năm mươi hằng hà sa số chư Phật, Bồ tát, Thanh văn đại chúng, như vậy cho đến vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp, công đức cũng không bằng có kẻ vì sùng thượng đạo Bồ đề mà thọ trì, đọc tụng, sao chép, cúng dường kinh Như lai tạng này dù chỉ trong một thí dụ mà thôi. Này Kim Cang Huệ! Kẻ vun trồng cội đức như trên kia, tuy đã là vô lượng, nhưng so với công đức của người thọ trì đọc tụng kinh Như lai tạng này, trăm ngàn phần chưa được một phần, cho đến giá có dùng toán số để tính hay ví dụ để so sánh cũng bất cập"...

 Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Kim Cang Huệ rằng:

 "Về thời quá khứ lâu xa vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, có một đức Phật hiệu là Thường Phóng Quang Minh Vương Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn (1)

 Này Kim Cang Huệ! Vì sao đức Phật ấy gọi là Thường Phóng Quang Minh Vương? Vì rằng lúc phát tâm tu hạnh bồ tát, đức Phật ấy khi mới giáng thân vào thai mẹ, thường phóng ra hào quang chiếu suốt mười phương ngàn vi trần thế giới chư Phật, chúng sanh thấy được ánh hào quang ấy thảy đều hoan hỷ, phiền não tiêu sạch, sắc thân sức lực đầy đủ, chánh niệm trí tuệ thành tựu và đạt được vô ngại biện tài. Nếu là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, diêm la vương, a tu la v.v... mà trông thấy hào quang ấy thời đều xa lìa được ác đạo, sanh về cõi nhơn thiên. Nếu là chư thiên, nhơn mà trông thấy hào quang ấy thời đối với đạo vô thượng bồ đề không còn thối chuyển nữa, lại còn có đủ năm món thần thông. Nếu đã là bậc bất thối chuyển rồi, thời sẽ chứng được vô sanh pháp nhẫn, năm mươi món công đức triền đà la ni (2).

 Này Kim Cang Huệ! Hào quang kia chiếu vào quốc độ nào thời thảy đều biến thành nghiêm tịnh, chói sáng như ngọc lưu ly, có dây vàng ngăn cách chia thành tám ngã; lại có các hàng cây báu, hoa quả xinh tươi, hương thơm ngào ngạt, thoảng có gió nhẹ thổi qua liền phát ra âm thanh vi diệu, tán dương công đức Tam bảo, Bồ tát về những pháp ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, thiền định, giải thoát; chúng sanh nào nghe được, thảy đều hoan hỷ, lòng tin kiên cố và vĩnh viễn xa lìa ác đạo.

 Này Kim Cang Huệ! Hết thảy chúng sanh trong mười phương quốc độ kia, nhờ có ánh sáng hào quang ấy chiếu vào mà đêm ngày sáu thời luôn luôn cung kính, thiện niệm thường tăng trưởng.

 Này Kim Cang Huệ! Bồ tát kia từ khi xuất thai cho đến khi thành Phật nhập vô dư niết bàn, thường phóng hào quang sáng chói như thế, cho đến sau khi nhập niết bàn, xá lợi được phân chia và nhập tháp rồi mà vẫn còn thường phóng hào quang. Vì nhơn duyên kia nên chư thiên và thế nhơn gọi Ngài là Thường Phóng Quang Minh Vương.

 Này Kim Cang Huệ! Đức Phật Thường phóng Quang Minh Vương lúc đầu mới thành Phật, hàng thính chúng Bồ tát đến nghe Ngài nói Pháp có đến hai mươi ức vị, trong số đó có một vị tên gọi Vô Biên Quang. Vô Biên Quang Bồ tát Ma ha tát đã từng hỏi đức Phật Thường Phóng Quang về kinh Như lai tạng này. Vì lòng lân mẫn nhiếp thọ đại chúng Bồ tát, nên ngài đã trải qua năm mươi đại kiếp không rời pháp tọa, đem hết biện tài, dùng vô số nhơn duyên thí dụ, rộng giảng kinh này cho chúng Bồ tát nghe, cú pháp rõ ràng, âm thanh vang dội đến vô lượng thế giới chư Phật. Các hàng Bồ tát nghe xong kinh này rồi, liền thọ trì đọc tụng, y như giáo pháp tu hành; riêng trừ bốn vị bồ tát còn tất cả đều đã thành Phật.

 Này Kim Cang Huệ! Ngươi đừng lấy làm ngạc nhiên, Vô Biên Quang Bồ tát kia nào phải ai xa lạ, chính là ta ngày trước đó! Còn bốn vị Bồ tát chưa thành Phật tức là Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và Kim Cang Huệ nhà ngươi đó!

 Này Kim Cang Huệ! Kinh Như lai tạng thật là lợi ích vô cùng; ai nghe được sẽ thành Phật đạo"...

 Đức Thế Tôn dạy kinh này rồi, Kim Cang Huệ và các Bồ tát, tứ chúng quyến thuộc, cùng chư thiên, nhơn, long thần, bát bộ v.v... Nghe xong thảy đều hoan hỷ phụng hành.

 

 (Còn tiếp) 

Nguyễn Trần Ai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)