Bài I. Bản Thân Đức Phật
Chương IV. Câu Thi Na
Tiết IV. Giáo Điển
IV.3. PHƯƠNG ĐẲNG KINH
IV.3.I. THẮNG MAN SƯ
TỬ HỐNG NHẤT THỪA ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHƯƠNG QUẢNG KINH (srimaladevi
Simhanadavaipulya sutra) là một bộ kinh Đại thừa được hai vị cao tăng Ấn Độ dịch
sang Hán văn. Bản thứ nhất của Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra) dịch đời Lưu Tống
(435-443) dưới tên trên. Bản thứ hai của Bồ Đề Lưu-Chi (508-535) dưới tên Thắng
Man Phu Nhân Hội vì kinh này là hội 48 của Kinh Đại Bảo Tích mang tên hội
"Phu nhân Thắng Man”, 1 quyển.
Kinh tương đối ngắn, bao gồm 15 phẩm. Phẩm thứ nhất nói về đức tính chân thật của Như Lai và việc công chúa Thắng Man được Phật thọ ký. Phẩm 2–4 nói về việc phát triển Bồ-đề tâm. Phẩm 5–15 gọi chung là “nhập Như Lai tạng” nói về việc xác quyết Nhất thừa (ekayana), về Như Lai tạng (tathagatagarbha), Pháp thân (dharmakaya), bản tính thanh tịnh. Kinh thường được so sánh với các kinh luận như Bảo Tính luận, Nhập Lăng Già, Đại thừa khởi tín luận… Kinh được Wayman dịch sang Anh ngữ năm 1974.
Nhân vật chính trong Kinh là công chúa Thắng Man (Srimala), con gái Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) nước Xá Vệ (Sraavastì), Ấn Độ, do sự gợi ý của Đức Phật, trình bày quan điểm rằng Phật vì Đại thừa thuyết pháp và pháp này bao gồm tất cả ba cỗ xe (ba thừa). Thắng Man nêu ba hạng người có thể đi trên đường Đại thừa, đó là
Sự kiện vai chính là một phụ nữ (bà Thắng Man) khiến cho Kinh khác hẳn với các kinh điển khác. Trong Kinh, Đức Phật bảo đảm rằng phái nữ có thể thành Phật, vì vậy nó đã được dùng để hổ trợ quan điểm cho rằng phụ nữ cũng có thể trở thành Phật.
IV.3.J. KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN (Mahaparinirvana Sutra) quan trọng vì Kinh ghi lại những lời thuyết giảng của Đức Phật Thích Ca ngay trước khi Ngài nhập diệt và bao gồm những sự tích liên quan tới những chuyện xảy ra trước và chứa đựng những dữ kiện lịch sử quan trọng sau khi Ngài nhập diệt.
Nguyên nghĩa chữ “Niết Bàn” là “tiêu diệt ngọn lửa dục vọng và đạt tới trạng thái giác ngộ”. Nếu xét theo nghĩa này thì khi Đức Phật đạt tới giác ngộ ở tuổi 35 thì lúc đó ngài đã nhập Niết Bàn. Nhưng vì không thể hoàn toàn diệt trừ những phiền não, dục vọng trong khi nhục thân vẫn còn tồn tại, cho nên sự nhập diệt của Ngài được gọi là Đại Bát Niết Bàn – mahaparinirvana – có nghĩa là “trạng thái đại an tịnh trong đó các ngọn lửa của dục vọng, phiền não đã hoàn toàn dập tắt” và về sau này nhóm chữ “nhập Niết Bàn” được người ta dùng như là “chết đi”.
Tâm Diệu viết “Lời Giới thiệu” cho bản Việt dịch “Kinh Đại Bát Niết Bàn” của HT Thích Trí Tịnh, Tịnh Xá Minh Đăng Quang, Hoa Kỳ xuất bản 1990 (có thể xem được ở trang nhà Thu Viện Hoa Sen hay trang nhà Quảng Đức), cho biết nhiều chi tiết về Kinh như sau:
Có
hai bản Kinh Niết Bàn của Phật Giáo Nam Tông và Phật Giáo Bắc Tông. Kinh Đại
Bát Niết bàn của Nam Tông, được tìm thấy trong Kinh Trường Bộ, [Kinh Đại Bát Niết
Bàn, (Hệ Pali), Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam ấn hành năm 1991]. Còn Kinh Đại Bát Niết Bàn của Phật Giáo Bắc Tông
bao gồm hai bản: (1) Phật Thuyết Phương Đẳng Bát Nê Hoàn Kinh, do ngài
Dharmaaksa (265-316), đời Tây Tấn dịch và (2) Đại Bát Nê Hoàn Kinh, do ngài
Pháp Hiển và Buddhabadhra đời Đông Tấn (317-420) dịch. Bản Việt ngữ của Phật
Giáo Bắc Tông do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch từ bản Hán văn, Tịnh Xá Minh
Đăng Quang, Hoa Kỳ tái xuất bản năm 1990, dầy 1500 trang gồm tất cả hai mươi
chín phẩm (chương), được phân ra làm hai quyển, quyển 1 từ phẩm 1 đến phẩm thứ
21 và quyển hai từ phẩm 22 đến phẩm 29.
Kinh Đại Bát Niết Bàn, vì là lời nói sau cùng của Đức Phật, trước khi Ngài Niết Bàn, nên bao quát hầu như đủ mọi thắc mắc của chúng sinh. Vì thời gian có hạn nên lời Ngài dạy rất cô đọng, nhưng minh bạch, rõ ràng. Thí dụ như nơi Phẩm Kim Cang Thân thứ năm và Phẩm Như Lai Tánh thứ mười hai, ngài giải thích cặn kẽ về Chân Ngã hay Phật Tánh, đó chính là bản thể thanh tịnh thường hằng bất biến của tất cả mọi loài chúng sinh, mênh mông như hư không, thường trụ bất hoại, tuy vậy bản thể ấy không phải tất cả chúng sinh là một, nhưng cũng không phải là khác, vượt ra khỏi tư tưởng suy nghĩ thông thường của đời sống tương đối hiện tượng, cho nên gọi là bất khả tư nghị, tức không thể nghĩ bàn, nhưng chính là cái chân thật của mọi chúng sinh, không phải là cái "Tôi" ô nhiễm tham sân si, đầy vướng mắc khổ vui vô thường này. Bản thể ấy tràn ngập khắp nơi nhưng chúng sinh bị trói buộc vì phiền não, tham sân si nhiễm ô che mờ nên không thấy được. Bản thể ấy luôn luôn sẵn sàng, tịch tĩnh hiện diện, nên gọi là Như Lai.
Vấn đề Hộ Pháp. Phật tử chúng ta thường quan niệm rằng hộ
pháp là đến chùa làm công quả hoặc đem tiền bạc vật chất đến chùa cúng dường là
tròn bổn phận. Trong kinh, đức Phật dạy rằng Ngài giao cho tứ chúng Phật tử gồm
Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, nam Cư sĩ và nữ Cư sĩ, tất cả đều phải có nhiệm vụ hộ
pháp, nghĩa là giữ gìn sao cho chánh pháp khỏi bị mang tiếng oan vì những người
phá giới, khiến cho người đời mất niềm tin, mất cơ hội thấm nhuần dòng sữa Phật
pháp. Đó mới là chân chính hộ trì chánh pháp. Đạo Phật là đạo bình đẳng, không
khi nào dung dưỡng một loại người đặc biệt nào được quyền phá hoại uy tín của đạo
Phật một cách tự do, thoải mái, mà mọi người vẫn phải nhắm mắt bịt tai lại mà
cung kính cúng dường. Nếu như thế tức là a dua, đồng lõa với kẻ phạm pháp. Chữ
Tăng ở câu kính Phật trọng Tăng phải hiểu nghĩa là thanh tịnh Tăng.
Về vần đề đức Thích Ca sơ sinh bước bẩy bước và nói
"Thiên thượng Thiên hạ duy Ngã độc tôn", nơi Phẩm Tứ Tướng thứ bẩy,
ngài cũng nói rõ rằng Ngã đây chính là Như Lai, là Chân Tâm, Phật Tánh, là thân
Kim Cang bất hoại, chứ không phải là Ngã của Thái Tử Tất Đạt Đa. Cũng trong phẩm
đó, vấn đề ăn thịt cũng được Ngài căn dặn rất kỹ lưỡng.
Bộ kinh Đại Bát Niết Bàn được ngài nói khi sắp thị hiện
Niết Bàn. Biết rằng Ngài không còn tại thế để hằng ngày giải đáp thắc mắc cho
chúng sinh nữa, nên chư đệ tử đã hỏi và Ngài đã giảng gần như đủ loại vấn đề.
Ngài còn dặn kỹ rằng vì phương tiện độ sanh, tùy theo thời điểm và tâm chúng
sinh đương thời, nên đôi khi có những lời dạy Ngài phải giản lược, chưa đi tới
được rốt ráo, cho nên có những kinh ngài gọi là kinh bất liễu nghĩa. Nay, lời
cuối cùng, nơi Phẩm Tứ Y thứ 8, ngài dặn lại rằng chúng sinh phải y chỉ kinh liễu
nghĩa, là kinh với mục tiêu tối hậu, nói về Giác Tánh của chúng sinh, về Trí tuệ
bát nhã, chỉ cho chúng sinh con đường hội nhập lại bản thể thường hằng bất biến,
giải thoát hoàn toàn.
Chúng tôi thiết tha mong mỏi chư vị dành thì giờ xem toàn
thể bộ kinh, tất cả mọi phẩm, tất cả đều là cam lộ thủy, xem rồi lắng tâm suy
nghĩ cảm nhận sâu xa từng lời dạy cuối cùng của Đức Phật, tâm càng an tịnh thì
lời dạy càng thấm thía, càng thấy ánh sáng của lời kinh rọi vào đủ loại thắc mắc,
lấn cấn trong tâm, sẽ thấy bừng sáng lên lời giải đáp, sẽ thấy tín tâm càng
tăng trưởng, càng tích cực cố gắng "không làm điều ác, siêng làm điều
lành, thanh tinh hóa tâm ý" hơn nữa.
Tâm Diệu.
HT Thích Trí Tịnh dịch bộ Kinh Bắc Tông. Tác giả Trịnh Nguyên Phước của bài “Đọc Kinh Đại Bát Niết Bàn” ngày 12.12.2007 trình bầy về bộ Kinh Nam Tông (có thể đọc được trên trang nhà Quảng Đức) như sau:
Kinh Đại Bát Niết Bàn
(Maha-Parinibbana-sutta), gọi tắt là Kinh Niết Bàn, là một bài kinh tương đối
ít được biết đến trong giới Phật tử, ít được giảng dậy và tụng niệm tại các
chùa chiền. Điều đó không khỏi làm chúng ta ngạc nhiên, bởi vì bài kinh này đứng
một vị trí quan trọng, có thể nói là duy nhất, trong kho tàng kinh điển Phật
giáo, vì một số lý do: thứ nhất, đó là một tài liệu lịch sử, xã hội quí báu về
giai đoạn cuối đời đức Phật ; thứ nhì, kinh chứa đựng một cách cô đọng những điểm
căn bản, chính yếu của giáo lý đạo Phật ; và thứ ba, kinh cho ta thấy sự chuyển
biến từ một con đường giải thoát dưới sự hướng dẫn của một vị thầy, tới một tín
ngưỡng dân gian với sự sùng bái di tích của một đấng Thế Tôn.
Nguồn
gốc của Kinh
Kinh Đại Bát Niết Bàn là bài kinh nói về giai đoạn cuối đời của đức Phật Thích Ca, từ sáu tháng trước cho tới khi ngài viên tịch, tức là nhập Bát Niết Bàn.
Đầu tiên, chúng ta hãy tìm hiểu về ý nghĩa của tên kinh: “Đại Bát Niết Bàn” (Maha-Parinibbana).
Maha tiếng Pali có nghĩa là to lớn (tiếng Hán là Đại), pari là hoàn toàn, nibbana là Niết Bàn. Parinibbana (phiên âm sang tiếng Hán là Bát Niết Bàn) là sự tịch diệt hoàn toàn (extinction complète), sự chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn của vòng sanh tử. Đó là từ dùng để chỉ định sự ra đi, lìa khỏi cõi đời của các vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác (samma sambuddha), Phật Độc Giác (pacceka-buddha) và A La Hán (arahant)(chú thích 1), khác với cái chết của người thường (marana).
Ngoài ra, khái niệm “hoàn toàn tịch diệt” (parinibbuta) cũng được dùng để chỉ định trạng thái tâm linh của các vị Phật, Độc Giác và A La Hán, khi còn tại thế.
Do đó, chúng ta thấy có mặt trong kinh điển hai từ:
1) sopadisesa parinibbana, là sự tịch diệt hoàn toàn, sự nhổ tận rễ những lậu hoặc, ô nhiễm, kiết sử, nhưng vẫn còn những thể chất của đời sống (Hán: hữu dư y Niết Bàn).
2) anupadisesa parinibbana, là sự tịch diệt hoàn toàn, ngay cả những thể chất của đời sống (Hán: vô dư y Niết Bàn). Đó là khi các vị Phật, Độc Giác và A La Hán lìa bỏ thể xác và cõi đời.
Sopadisesa parinibbana còn được coi như là kilesa parinibbana, sự dứt bỏ hoàn toàn những ô nhiễm, kiết sử, và anupadisesa parinibbana như là khandha parinibbana, sự dứt bỏ hoàn toàn những uẩn.
Như vậy, không phải chỉ có đức Phật Thích Ca mới nhập Bát
Niết Bàn, nhưng Kinh Đại Bát Niết Bàn (chữ Đại chỉ định sự tôn kính) là bài
kinh nói về sự nhập Bát Niết Bàn của đức Phật Thích Ca.
Để tránh mọi ngộ nhận, chúng ta phải nói ngay rằng có hai bài kinh mang tên là Đại Bát Niết Bàn:
- một bài thuộc hệ Phật giáo Nguyên Thủy (Nam tông), nguyên văn viết bằng chữ Pali, và
- một bài thuộc hệ Phật giáo Đại
Thừa (Bắc tông), nguyên văn viết bằng chữ Phạn (sanskrit), dịch sang chữ Hán và
chữ Tây Tạng. Phải nói rằng đó là một trong những bài kinh nguyên văn chữ Phạn
hiếm có còn tồn tại, đa số những bài khác đã bị thất lạc và chỉ còn lại dưới bản
dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng.
Kinh Đại Bát Niết Bàn Nguyên Thủy, viết bằng chữ Pali
(Maha-Parinibbana-sutta), là bài kinh dài nhất trong Tam Tạng kinh điển
(Tipitaka), thuộc vào Trường Bộ Kinh (Digha-nikaya). Người ta cho rằng bản kinh
ban đầu được thành hình mấy chục năm trời sau khi đức Phật tịch diệt, bằng tiếng
Prakrit, một ngôn ngữ rất gần với tiếng Pali, và sau đó bị nhiều đổi thay trong
một, hai thế kỷ tùy theo những nhu cầu giáo lý và tổ chức của đoàn thể tăng
già. Lời kinh được truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác, và chỉ được ghi
chép lại vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN. Toàn phần kinh Pali được ghi chép
vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước CN, nhưng vẫn còn tiếp tục được truyền khẩu nhiều
năm sau.
Kinh Đại Bát Niết Bàn Đại Thừa,
nguyên văn bằng chữ Phạn (Maha-Parinirvana-sutra) thuộc vào trường phái
Mula-Sarvastivada, một chi nhánh của phái Sarvastivada (Nhất Thiết Hữu), xuất
hiện khá muộn và thất truyền từ lâu. Kinh được dịch sang chữ Hán từ khoảng thế
kỷ thứ 3 tới thứ 5 sau CN, dưới những tựa đề khác nhau (Phật Thuyết Phương Đẳng
Bát Nê Hoàn Kinh, Đại Bát Nê Hoàn Kinh,...). Một trong những bản đó là do ngài
Pháp Hiển sang Tích Lan mang về và dịch cùng với Buddhabadra năm 417. Năm 421,
tại miền Bắc Trung Hoa, nhà sư Ấn Độ Dharmaksema cũng dịch một bản kinh dài
hơn, được bổ túc bằng một số đoạn trong một bản kinh viết tay tìm thấy tại
Khotan (miền Tây Tân Cương).
Tại Tây Phương, Kinh Đại Bát Niết Bàn đã được giới học giả
đặc biệt chú ý đến từ cuối thế kỷ 19 qua những bản dịch từ tiếng Pali sang tiếng
Anh bởi T.W. Rhys-David (1881, 1910), qua những công trình nghiên cứu tiếng Đức
của E. Waldschmidt (từ 1944 đến 51) và nhất là qua công trình nghiên cứu của
nhà Phật học Pháp André Bareau (từ 1970 đến 75).
Trong những học giả Tây phương, có lẽ André Bareau là người
đã có công phu nghiên cứu nhất về các bản kinh Đại Bát Niết Bàn. Ông đem đối
chiếu 7 bản kinh khác nhau, 1 viết bằng chữ Pali, 1 bằng chữ Phạn và 5 bằng chữ
Hán, soạn thảo trong những thời kỳ khác nhau và thuộc về những trường phái khác
nhau.
Về bản dịch ra tiếng Việt, thì cũng có hai bài kinh Đại
Bát Niết Bàn, một bài dịch từ chữ Pali bởi HT Thích Minh Châu, và một bài dịch
từ chữ Hán bởi HT Thích Trí Tịnh.
Như đã nói trên, chúng ta nên để ý đó là hai bài kinh
khác nhau, một bài thuộc hệ thống Nguyên Thủy, và một bài thuộc hệ thống Đại Thừa.
Tuy rằng cả hai đều có liên quan tới giai đoạn cuối đời của đức Phật trước khi ngài nhập Bát Niết Bàn, nhưng có nhiều sự khác biệt về hình thức cũng như về nội dung. Bài kinh Đại Thừa dài hơn bài kinh Nguyên Thủy nhiều, vì có thêm nhiều bài kinh khác. Bản dịch của HT Thích Trí Tịnh được in làm 2 quyển, dầy 1500 trang, chia ra làm 29 phẩm, trong khi bản dịch của HT Thích Minh Châu chỉ có 53 trang A4, chia ra làm 6 phẩm. Trong kinh Nguyên Thủy, đức Phật giảng dạy cho Ananda (A Nan), vừa là em họ, thị giả và đệ tử thân cận nhất của ngài, trong khi trong kinh Đại Thừa, đức Phật giảng dạy cho Maha-Kassapa (Đại Ca Diếp), là vị đại đệ tử của ngài. Chúng ta sẽ bàn sau về những khác biệt về nội dung của những lời giảng dạy đó.
Trong khuôn khổ bài này, chúng
ta sẽ chủ yếu nói về Kinh Đại Bát Niết Bàn Pali, vì những lý do sau: thứ nhất,
đó là bài kinh xuất hiện sớm nhất đứng về mặt lịch sử, thứ nhì (cũng liên quan
đến điểm trên), những sự kiện lịch sử, xã hội có khả năng được mô tả một cách
trung thành nhất, và thứ ba, những lời giảng dạy trong kinh có khả năng gần với
những lời dạy cuối cùng của đức Phật nhất.
Tác giả kết luận bài trình bầy uyên bác như sau:
Kinh có thể được tóm tắt bằng bài kệ Ngài nói, vào cuối phẩm 3:
“Tuổi
ta đã già,
Cuộc sống nay chấm dứt.
Các người ở lại, ta sắp ra đi.
Sẵn sàng trú ẩn nơi mình.
Hỡi các tỳ kheo!
Hãy chánh niệm, tỉnh giác,
Trì giới, định tâm, nhiếp ý.
Ai tinh tấn trong Pháp và Luật này,
Sẽ lìa vòng sanh tử, chấm dứt khổ đau”.
Với hai trích đoạn trên đây, thiết tưởng không cần thêm gì nữa.
(Còn tiếp)
Nguyễn Trần Ai