- "Có - Không" Trong Phật Giáo

10/09/201312:00 SA(Xem: 5900)
- "Có - Không" Trong Phật Giáo



"Có - Không" Trong Phật Giáo

 

Thích Chân Phúc

 


Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa quý vị Phật Tử

Chúng tôi nhân mùa an cư tại chùa Bảo Quang năm nay 2013, được Ban Chức Sự cử vào Ban Giáo Thọ, nên chúng tôi xin phép được trình bày chủ đề "Có-Không" trong Phật giáo. Ngưỡng mong chư Tôn đức Tăng, Ni và quý Phật tử nếu có gì chưa đúng xin hoan hỷ chỉ giáo cho.

(Bài nói chuyện của TT Thích Chân Phúc)

 

Nói đến Có và Không trong kho tàng triết học Tánh Không của Phật giáo thật vô cùng rộng lớn như hư không, như biển cả, làm sao nói, bàn và viết cho hết được! Ở đây chúng tôi chỉ trình bày một vài vấn đề quan trọng nhất trong tinh thần Bát Nhã của đạo Phật.

 

1. Lý Nhân Duyên:

 

Hòa thượng Thanh Từ nói: "Muốn biết Có-Không trong kinh Bát Nhã, trước hết chúng ta phải nắm thật vững giáo lý Nhân Duyên. Người không nắm vững giáo lý nhân duyên thì không bao giờ hiểu được chữ Có-Không trong Phật giáo. Chữ Có-Không trong Bát Nhã đứng vững là dựa trên Lý Nhân Duyên. Nếu lý Nhân Duyên là chân lý thì chữ Có-Không cũng là chân lý, vì lý Nhân Duyên là gốc, là lộ trình tiến lên Bát Nhã. Trong kinh A Hàm có 4 câu kệ - bài kinh Nhân Duyên:

 

Nhân duyên sở sanh Pháp

 Ngã thuyết tức thị Không

 Diệc danh vi giả danh

 Diệc danh trung đạo nghĩa

 

Đây cũng là nền tảng của bộ Trung Quán Luận mà Tổ Long Thọ (Nagarjuna) đã diễn giải thành bộ luận này. Theo như các Tổ cho biết thì Đức Phật nói Kinh Bát Nhã tới 22 năm, ngài Huyền Trang dịch từ Phạn sang Hán 600 quyển. Còn chúng ta học hành bao giờ mới xong. Nhân Duyên là nội dung quan trọng của thuyết Duyên Khởi. Duyên

Khởi là thế giới quan trình bày tính chất chung của mọi hiện tượng của các pháp hữu vi. Thuyết Duyên Khởi khẳng định mọi sự vật dựa vào nhau mà sinh thành và hoại diệt. Vì thuyết Duyên Khởi khẳng định rằng thực tại tự nó không tồn tại, không có tự tánh riêng biệt. Sở dĩ nó tồn tại vì nó ở trong thế tương tác "đối đãi" với con người.

 

2. Pháp Vô Ngã:

 Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy:

 Nhất thiết hữu vi pháp

 Như mộng huyễn bào ảnh

 Như lộ diệc như điển

 Ưng tác như thị quán

Dịch:

 Tất cả pháp hữu vi

 Như chiêm bao, bọt nước

 Như hơi sương, lằn chớp

 Nên quán sát như thế

 

 Và trong kinh Nykada Đức Phật có dạy bài kệ:

 Chư Pháp tùng duyên sinh

 Diệc tùng chư duyên diệt

 Ngã Phật đại Sa Môn

 Đương tác như thị thuyết

Dịch:

 Các pháp từ duyên sanh

 Cũng từ nơi duyên diệt

 Phật đã nói như thế

 Chư Phật cũng như vậy

 

Tất cả pháp hiện có trên thế gian này đều tùy duyên mà có. Ví như ngôi nhà này từ đâu mà có? Ai cũng biết đều do kiến trúc sư, kỹ sư, nhân công, gạch, cát, đá, gỗ v.v.. hợp lại mà thành, không bao giờ tự nhiên mà có được. Cũng vậy, mọi sự, mọi vật trên thế gian này đều phải tùy duyên mà sinh khởi. Qua đó chúng ta thấy tầm quan trọng của lý Nhân Duyên như thế nào rồi. Con người cũng vậy, do nhân duyên sinh nên không có chủ thể cố định, và mọi sự vật cũng không có chủ thể cố định. Nhưng

trước mắt vẫn có con người, có chiếc xe, có ngôi nhà v.v... khi nó hội đủ nhân duyên. Đó là nội dung "Pháp Vô Ngã" trong đạo Phật.

 

3. Nhân Vô Ngã:

 

Bản thân con người, Đức Phật cho rằng: con người cũng không có thực thể, không có một cái tôi đứng sau mọi hiện tượng của cá thể. Đó là tư tưởng "nhân vô ngã". Vạn Hạnh thiền sư có nói rất rõ về tư tưởng này:

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

 Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

 Nhậm vận thạnh suy vô bố úy

 Thạnh suy như lộ thảo đầu phô

Dịch:

 Thân như ánh chớp chiều tà

 Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời

 Xá chi suy thịnh cuộc đời

 Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành

 (HT Mật Thể)

 

Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy về duyên khởi: "Có một thầy tỳ kheo hỏi: "Ai cảm xúc, ai thọ, ai khát ái, ai chấp thủ...?" Phật trả lời: "Như Lai chỉ dạy xúc, thọ, ái, thủ... (phẩm Sư Tử, quyển 25), nên cac câu hỏi đó không phù hợp với lý Duyên Khởi. Câu hỏi được phù hợp với lý Duyên Khởi phải là: "Do duyên gì mà xúc sinh, thọ sinh, ái sinh...." Nội dung câu trả lời này thật là khó hiểu cho những ai chưa quen với đạo Phật. Đó là sự khát ái chứ không có người khát ái. Có sự sinh, lão, bệnh, tử chứ không có ai sinh hay ai chết. Có vô minh nhưng không có ai vô minh, có sự giác ngộ nhưng không có người giác ngộ. Đó là tư tưởng "Nhân Vô Ngã" của đạo Phật. (tu vô tu, chứng vô chứng).

 

Tư tưởng Vô Ngã này được trình bày rất thú vị, khéo léo trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo. Bản kinh này xuất hiện lần đầu tiên khoảng thế kỷ thứ nhất, và ngày nay được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trong câu chuyện ẩn dụ được đưa ra: một chiếc xe- của cuộc đối thoại giữa vua Hy Lạp Di Lan Đà (Milinda) 155-130 trước Tây lịch, với Na Tiên Tỳ Kheo (Nagasena), một vị sư Ấn độ (bây giờ là vùng Afghanistan và Bắc Ấn).

Một chiếc xe có phải là bao gồm thùng xe, máy xe, tay lái, vỏ xe v.v... những thứ vừa kể phải được tập hợp lại và tập hợp theo một trật tự, một quy luật nhất định thì mới hình thành một chiếc xe. Cho nên phải nói chính xác là: chiếc xe là sự tập hợp của các thứ đó. Bản thân chiếc xe không là cái gì sẵn có, mà nó là do những thứ khác lập thành. Cho nên đạo Phật xem chiếc xe không tồn tại trên cơ sở tự tính, nó chỉ là "giả danh", chiếc xe là "vô ngã".

 

Một ví dụ khác nữa: một tấm ván với 4 cái chân bằng gỗ, khi nó được để sách vở, bút mực, máy điện toán.... lên trên, thì nó được gọi là "cái bàn". Khi người ta dùng nó để ngồi thì nó mang tên "cái ghế". Khi người ta dùng để nằm thì gọi là "cái giường". Cái bàn, cái ghế, cái giường... với tính cách vật thể có "tự tánh" riêng không hề có thật, chúng đều là giả danh. Qua ví dụ trên chúng ta thấy sự vật phát sinh và tồn tại thông qua mối quan hệ với người xử dụng mà danh tánh có khác nhau, nên gọi là "Nhân duyên sở sanh pháp" hay là "chư pháp tùng duyên sanh". Các pháp tùy duyên mà có, giả danh mà có, thật tính không có thật.

 

Thử nghiệm lại thân mình có phải là tạm bợ hay không? Nếu thân này là thật có chắc chắn thì không bao giờ già, bệnh và chết. Vì nó không thật, không chủ thể, đủ duyên thì nó hợp, hết duyên thì nó tan hoại. Đó là chân lý, không còn nghi ngờ gì nữa. Vì vậy chữ KHÔNG trong Bát Nhã là không thật thể chứ không phải là trống không như hư không, đó là cái không của thế tục, còn "Có-Không" của Bát Nhã là tự tính không thực thể. Vì vậy Phật nói thân này là Vô Ngã. Vì vô ngã nên không có chủ thể, bởi không có chủ thể nên nó tuỳ duyên mà thành, tùy duyên mà hoại diệt.

 

4. Tuyệt Đối Không:

 

Theo như Hòa Thượng Thanh Kiểm phân tích: KHÔNG - là ngôn từ đã phủ định tướng trạng của vạn hữu, khác nghĩa với chữ VÔ đối với HỮU, tương đương với chữ BẤT. Nó có nghĩa bài xích chỗ chấp trước vạn hữu và siêu việt cả Hữu và Vô. Nghĩa là Không đã phủ định Hữu mới chỉ là Đơn Thuần Không, mà lại phủ định tiếp nữa: Không cũng Không, gọi là Phức Tạp Không.

 

Trong kinh Bát Nhã có nói đến 18 chữ KHÔNG, thuyết minh nhiều phương diện khác nhau, nhưng đó chỉ là những biểu hiện để bài xích chỗ thiên kiến về tương đối sai biệt, để chỉ đến chỗ Tuyệt Đối Không.

 

KHÔNG, không phải là đơn thuần không, mà là Hữu tức Không. Hữu cũng không phải là đơn thuần hữu mà là Không tức Hữu. Tức là cảnh giới Chân Không Tuyệt Hữu, cũng là Chân Diện Mục của vạn hữu.

 

Trí vô sở đắc tức là Trí Huệ của Bát Nhã soi sáng chân tướng của vạn hữu. Chân Tướng của vạn hữu thì siêu việt. Thiên kiến, tương đối, tự tại giữa cái Có và Không. Nhận thức khai thông được lý thù thắng tuyệt đối này tức là chứng ngộ được Trung đạo thật tướng.

 

Trong Trung Quán Luận, Tổ Long Thọ (Nagarjuna) nói:

 

Bất sanh diệc bất diệt

 Bất thường diệc bất đoạn

 Bất nhất diệc bất dị

 Bất lai diệc bất khứ.

 

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm An Lạc Hạnh, Đức Phật dạy: "Các vị Đại Bồ Tát quán sát: "Nhất thuyết pháp không như thật tướng" chẳng điên đảo, chẳng động, chẳng thối chuyển như hư không, không có thật tánh. Tất cả lời nói đều dứt, chẳng sinh, chẳng xuất, chẳng khởi, không danh, không tường, thật không chỗ có, không lường, không ngăn, không ngại, không chướng, chỉ do nhân duyên mà có, từ điên đảo mà có, cho nên nói:

 

"Thường nên quán sát pháp tướng như thế".

Quán sát tất cả pháp, thảy đều không thật có

 

Dường như khoảng hư không, không chút bền chắc.

 

Chẳng sinh cũng chẳng xuất, chẳng động cũng chẳng thôi.

 

Thiền sư Từ Đạo Hạnh thời nhà Lý (1072-1116) có bài kệ:

 Tác hữu trần sa hữu

 Vị không nhất thiết không

 Hữu, Không như thủy nguyệt

 Vật trước hữu, không Không.

Dịch:

 Có thì có tự mảy may

 Không thì cả thể gian này cũng không

 Thử xem bóng nguyệt dòng sông

 Mới hay Không-Có, Có-Không là gì.

 

Thiền sư Từ Đạo Hạnh chỉ cho chúng ta thấy một hình ảnh thật linh động: tất cả sự vật nói có thì vật nào cũng có. Tại sao? Vì trên giả tướng mà thấy có, tay sờ mó được, mắt nhìn thấy được. Nếu nói không thì tất cả đều không vì là do duyên hợp mà thành, không thật có. Như vậy nói "Có" hay "Không" giống như mặt trăng dưới đáy nước. Như thế mọi vật hiện hữu trên thế gian này cũng như bóng trăng đáy nước - nhìn thấy như có nhưng không thật thể. Chúng ta đừng lầm chấp nó thật có mà nó là do duyên hợp mà có. Cũng trong tinh thần Vô Ngã Tướng này, ngài Hương Hải Thiền Sư thời vua Lê Dụ Tông (1726-?) nói:

 

Nhạn quá trường không

 Ảnh trầm hàn thủy

 Nhạn vô di tích chi ý

 Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

 

Cho nên khi chúng ta đứng ngắm nhìn vạn vật trong vũ trụ thì đó là cảnh tượng một hình ảnh của cái giả hợp này, đang ngắm nhìn một cái giả hợp khác, và nghĩ rằng cả hai đều thực có, nhưng đó là sự sai lầm lớn nhất về cảm quan và ý thức của chúng ta. Bởi đó là cái thấy, cái hiểu của vọng tâm, của ý thức phân biệt, là cội nguồn của thế giới và con người, chúng ta cần phải thận trọng.

 

5. Tương quan đối đãi.

 

Trên cơ sở đối đãi, mọi sự vật, hiện tượng, mọi khái niệm trên thế gian được gọi là CÓ nhưng nó chỉ tồn tại một cách tương đối, quy ước. Chúng không thể tồn tại riêng lẻ, cũng như "bà Mẹ" không tồn tại nếu không sinh con. Tương tự như thế, không thể có "Thiện" mà không có "Ác", không thể có "Tốt" mà không có "Xấu", không thể có chúng sinh mà không có Phật. Nếu không có sinh tử thì không thể có Niết Bàn... Tất cả chỉ là danh tánh giả hợp đối đãi mà thôi. Lý luận này được Tổ Long Thọ, khoảng 200 năm trước Tây lịch, là một trong những vị luận sư vĩ đại nhất của Phật giáo, đã nói rõ trong Trung Quán Luận mà chúng tôi đã nói ở phần trước.

 

Chúng tôi xin nêu một thí dụ khác để dễ hiểu hơn: một bà Mẹ sinh ra đứa con, ta thường nói đứa con được bà Mẹ sinh ra. Nhưng ta cũng có thể nói là bà Mẹ được đứa con sinh ra. Tại sao? Nếu không có đứa con thì người đàn bà đó không bao giờ được gọi là "bà Mẹ" . Người đó chỉ là một phụ nữ, một cô sinh viên, một cô y tá hay một chị bán hàng v.v... Thế nên "bà Mẹ" và "Đứa con" được sinh ra đồng thời, cả hai phải dựa vào nhau, nương nhau mà có, cả hai nằm trong mối quan hệ mà đạo Phật gọi là "đối đãi" sinh ra.

 

Tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện của Na Tiên Tỳ Kheo thật là thâm thúy, thú vị và duyên dáng khi hỏi vua Milinda từng cái một. Vậy cái gì là của Đại vương? phải chăng là tóc, tai, da thịt, phải chăng lấy niệm, là cảm thọ vui buồn... Vua Milinda không tìm ra đâu là cái tôi cả. Cũng như cái xe chỉ là giả danh, chỉ là một tập hợp của những thành phần tâm lý và thể chất, cho nên cũng chỉ là một giả danh.

 

6- Ngũ Uẩn Giai Không

 

Theo tinh thần Bát Nhã, phần tâm lý gồm có 4 loại: Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Bốn yếu tố này cùng với yếu tố thể chất (sắc) hợp lại thành năm yếu tố (Ngũ Uẩn). Theo tiếng Sanskrit - Panca Skandha, ngũ uẩn đóng vai trò quan trọng trong nhận thức luận của Phật giáo về con người và thế giới. Khi liễu ngộ soi thấy rõ năm uẩn không có tự tánh - thì chúng ta có thể hiểu được Vô Ngã và thấy thế giới này cũng không có tự tánh. Nếu chúng ta quán "Năm uẩn đều Không" sẽ "vượt qua tất cả khổ ách" (Ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách - Tâm kinh Bát Nhã). Tại vì sao? Bởi vì năm uẩn này vận hành theo lý thuyết Duyên Khởi. Cái này có thì cái kia có, dựa vào nhau, thúc đẩy với nhau, làm nền tảng cho nhau để sinh thành và hoại diệt. Năm uẩn này vận hành với nhau không có ai là chủ nhân của nó, không có cái "tôi" nào đứng đàng sau chúng. Cái TÔI mà mỗi chúng ta nghĩ là mình chỉ là một sự nhầm lẫn của tri thức. Cho nên Phật nói là: "Nhân Vô Ngã", vì CÁI TÔI không có. Cũng như cái xe không có thật. Cả hai đều là nương nhau, tập hợp với nhau, giả danh mà có. Cả hai đều không có một thực thể để tự mình sở hữu một cái gì đó, giống như ẩn dụ chiếc xe mà chúng tôi đã trình bầy ở phần trước. Con người cũng vậy, chỉ là tập hợp của những cảm xúc, nhận thức, ý niệm, hành động... đang vận hành với nhau, không chủ thể nào dẫn đường chỉ lối cả. Vì thế Đức Thế Tôn nói: "Như Lai chỉ dạy Xúc, Thọ, Ái, Thủ... chứ Như Lai không dạy người nào Xúc, Thọ, Ái, Thủ..." Con người vì vô minh nên nhầm lẫn tưởng mình có một Cái Tôi, và đó là nguyên nhân của phiền não, khổ đau, sinh tử luân hồi.

 

Tóm lại, với đề tài CÓ-KHÔNG trong Phật giáo là nói đến Tánh Không của các pháp. Từ sông, suối, núi đồi, cỏ cây, hoa lá đến trăng sao và con người v.v.. đều là giả có, không thực thể, do duyên hợp mà có, không thực có. Hiểu được như vậy thì chúng ta bỏ được sự cố chấp, nhân, ngã, bỉ, thử, có, không... thì sự tu tập sẽ đạt được kết quả giải thoát an lạc.

 

Đây là một đề tài lớn trong kho tàng giáo điển Tánh Không của đạo Phật. Trong phạm vi bài này, thời gian không cho phép với khả năng hạn hẹp của chúng tôi không thể nào trình bầy hết ý nghĩa tột cùng sâu thẳm của nó. Ngưỡng mong chư Tôn Đức Tăng Ni và toàn thể đại chúng thông cảm bỏ qua những gì sai xót trong bài này. Thành thật tri ân tất cả quý vị.

 Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

Mùa an cư tại Cali 2013

Chùa Bảo Quang

 

Thích Chân Phúc


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)