- Phật Giáo Tinh Hoa & Phát Triển

10/09/201312:00 SA(Xem: 5444)
- Phật Giáo Tinh Hoa & Phát Triển




Phật Giáo Tinh Hoa & Phát Triển

(Buddhism its essence & development)

 

Tác giả: Edward Conze Tùng Sơn dịch

 


Chương Thứ Chín

 

Triển khai Phật giáo bên ngoài Ấn Độ

 

(Tiếp theo)

 

Khái quan

 

Nhìn tổng quát cho đến nay những trường phái mà chúng ta khảo sát đều phát xuất từ Ấn Độ, cho dù các nước bên ngoài Ấn Độ thâu nhận những giáo lý, nhưng về cơ bản không thay đổi là bao. Tuy nhiên có ba trường phái thành hình bên ngoài Ấn Độ sửa đổi sâu sắc tính chất Ấn Độ cho phù hợp với văn hóa mỗi vùng gồm có ThiềnTịnh Độ ở Viễn Đông, và trường phái Rnyin-ma-pa ở Tây Tạng.

 

Phật giáo truyền vào Trung Hoa từ trung ương Á châu vào khoảng năm 50 sau kỷ nguyên. Phật giáo Trung Hoa chịu ảnh hưởng đậm nét tư tưởng Đạo giáo đã ăn sâu vào dân gian, trong khi đó vẫn còn có một khoảng cách với tư tưởng Nho giáo. Phật giáo Trung Hoa nở hoa dưới triều đại nhà Lương ở vào khoảng thế kỷ thứ sáu, và cực thịnh dưới triều đại nhà Đường (618-907). Từ năm thứ 1000 trở về sau hai trường phái Thiền và Tịnh Độ thu nhận đa số chúng tăng xuất gia đi tu. Tư tưởng Thiền theo Thiền tông là hình thái triển khai từ tư tưởng Bát Nhã, tư tưởng Đại thừa và tư tưởng trường phái Du Già Hành theo phong cách người Trung Hoa và người Nhật Bản. Theo dòng thời gian giáo lý Tịnh Độ trở thành ‘tín ngưỡng dân gian’ ở Trung Hoa và Nhật Bản. 

 

Vào khoảng năm 700 sau kỷ nguyên, những tu sĩ xứ Bengal đưa tín ngưỡng Phật giáo vào Tây Tạng. Tín ngưỡng cố hữu của người Tây Tạng lúc bấy giờ là đạo Bon, là hình thái tôn giáo nguyên thủy chứa đựng tính chất chú thuật. Dù thế nào đi nữa Phật giáo không thể thay thế hoàn toàn đạo Bon của người Tây Tạng được. Mặc dù sau hơn 1200 năm chi phối bởi Phật giáo, đạo Bon vẫn còn là sức sống mạnh cho đến ngày hôm nay. Giới Tăng lữ Tây Tạng luôn luôn có thái độ khác biệt, đối trội sâu sắc về tín ngưỡng dân gian nguyên thủy, có một số người thu nhận nó vào Phật giáo, có số người khác không chấp nhận tín ngưỡng này. Vào khoảng năm 1400 theo sự cải cách của Tsong-kha-pa thuộc trường phái Mũ Vàng là trường phái ít có tính chất thuật chú đã tạo thế lực lớn mạnh ở Tây Tạng. Trong khi đó trường phái Rnyin-ma-pa là trường phái Mật giáo Tây Tạng tiêu biểu, còn được gọi là trường phái Mũ Đỏ mang nhiều tính chất thần bí, chịu ảnh hưởng của đạo Bon nhiều nhất hơn bất cứ mọi trường phái khác.

 

 

Thiền

 

Thuật ngữ Thiền (Ch’an) là tiếng Trung Hoa tương đương với danh từ Dhyana của tiếng Phạn, có nghĩa là trầm tư mặc tưởng. Phát triển thiền tông được chia thành bốn giai đoạn:

  1. Thời kỳ hình thành, khởi đầu vào khoảng năm 440 một số học tăng của Cầu Na Bạt Đa La (Gunabhadra) phiên dịch kinh Lăng Già

 

  1. (Lankavatara Sutra) sang tiếng Hán. Sau đó vào khoảng năm 520 có truyền thuyết về nhân vật Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) (1). Tiếp đến một số thiền tăng xuất hiện tập trung xung quanh những nhân vật như Tăng Xán (Seng-t’san ?-606), Tuệ Năng (Huineng 637-713). Tăng Xán để lại tập thơ nổi tiếng, được xem như giải thích rõ ràng về Phật giáo gọi là Tín Tâm Minh (Hsin Hsin Ming). (2) Tuệ Năng xuất thân miền nam Trung Hoa, người biểu tượng cho tinh thần thực dụng, đốn ngộ (đến chân lý một cách trực tiếp), không nói vòng vo, mặc dù ông là người ít học vấn. Rất nhiều truyền thừa về lịch sử Thiền tông lúc ban sơ là do thế hệ về sau tạo tác ra. Tuy nhiên những câu kệ, tập ngữ lục của những vị tổ được truyền lại đến ngày nay là những tư liệu có giá trị về cả mặt giáo lý lẫn lịch sử.
  2. 3. Từ năm 700 trở về sau, Thiền nghiễm nhiên trở thành một trường phái riêng biệt. Vào năm 734 Thần Hội (Shen-Hui) một đệ tử của Tuệ Năng đã sáng lập một trường phái khác ở miền nam Trung Hoa. Trong khi đó Thiền bắc tông từ từ mất đi vào khoảng giữa đời nhà Đường (khoảng năm 750), tất cả những triển khai về tư tưởng Thiền sau này đều phát xuất từ trường phái của Thần Hội. Cho đến giai đoạn này hầu hết những Thiền tăng đều cư ngụ ở những tự viện của Luật Tông (Lu-tsung), cũng vào khoảng năm 750, Bách Trượng (Pai chang) đưa ra một số giới luật (3) đặc thù và từ đó tạo dựng Thiền tông một giáo đoàn với tổ chức độc lập với các tăng đoàn khác. Tính chất cải cách độc đáo nhất trong Luật của Bách Trượng là đưa vào công việc bằng chân tay. Chẳng hạn như điều luật “Một ngày không làm việc, một ngày không ăn.”  Dưới triều đại nhà Đường (618-907) Thiền tông dần dần chiếm lấy ưu thế vượt qua những tông phái khác, một trong những lý do chính là dưới sự đàn áp khốc liệt mọi trường phái Phật giáo của triều đình vào năm 845 (4), Thiền tông đã vượt qua pháp nạn và tiếp tục sống còn. Trong số những đệ tử của Tuệ Năng có năm nhân vật vĩ đại (5) sau này trở thành năm tổ của Thiền tông vào đời nhà Đường, và cũng vào giai đoạn này có thể xem như thời kỳ sáng tác cực thịnh nhất của Thiền tông.
  3. 4. Vào khoảng năm 1000, Thiền tông đã vượt lên trên bao chùm mọi tông phái khác của Phật giáo Trung Hoa, ngoại trừ Tịnh Độ tông. Trong Thiền tông, trường phái Lâm Tế (Lin-chi) đã chiếm lấy quyền chủ đạo, phương pháp tu tập trường phái Lâm Tế cũng đã được hệ thống hoá, và có thể nói đã cơ khí hoá ở mức độ nào đó. Tất cả những câu kệ bí ẩn, khó giải đáp thường liên hệ đến những sáng tác của Thiền sư đời nhà Đường đã được đúc kết thành tập sách vào thế kỷ thứ 12, và 13. Theo danh từ chuyên môn gọi những câu khó giải đáp là công án, theo âm Trung Hoa đọc là Kungan, âm Nhật ngữ gọi là Koan. Lấy thí dụ sau về công án:

Có một hôm vị tăng hỏi Động Sơn (Tung-shan):

Phật là người như thế nào?

Động Sơn trả lời:

Phật là ba cân những sợi tơ dệt vải.”(6)

  1. Thời kỳ sau cùng là lúc tư tưởng Thiền thẩm thấu vào toàn thể nền văn hoá viễn đông như nghệ thuật, tập quán đời sống. Có thể nói nghệ thuật đời nhà Tống là biểu hiện tư tưởng Thiền. Đặc biệt Nhật Bản là đất nước chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Thiền. Thiền được mang truyền vào Nhật Bản vào khoảng năm 1200 do Vĩnh Tây (Eisai) và Đạo Nguyên (Dogen). Với khái niệm đơn sơ, giản dị, ngay thẳng và hùng tráng của Thiền có sức quyến rũ mạnh đến thành phần võ sĩ Nhật Bản. Tu tập Thiền giúp cho họ khắc phục tinh thần sợ chết. Có nhiều bài thơ đã nói lên tinh thần này của người võ sĩ, chẳng hạn như bài thơ sau:

 

Sừng sửng một mình giữa càn khôn.

 Vui thay trời không ngã cũng không.

 Hào hùng Hiệp sĩ đời Nguyên vung thanh kiếm.

 Nhanh như chớp nhoáng cắt cả gió xuân. (7)

 

Nơi đây không tiện đi vào chi tiết trình bày ảnh hưởng Thiền lên nghệ thuật hội họa, thư đạo, trà đạo, kiếm đạo, làm vườn, vũ điệu, và thi ca, và mong quý độc giả tham khảo thêm kiệt tác của Thiền sư Suzuki Daizetsu.(8)

 

Tính chất đặc thù của Thiền có thể phân chia thành bốn loại như sau:

 

Thiền nhìn những tập tục truyền thống Phật giáo với con mặt khác biệt, xem nhẹ những kinh điển, tượng Phật, và đôi khi bày tỏ thái độ châm biếm tập tục thế gian. Thiền biểu lộ tinh thần chủ nghĩa kinh nghiệm cấp tiến, có nhiều nét tương đồng với thái độ tầng lớp Hoàng Gia Anh Quốc vào thế kỷ thứ 17. Chẳng hạn như những câu cách ngôn sau: “Đừng nghĩ ngợi, hãy làm thử đi!” hay là “Đọc sách chẳng qua biết được những kinh nghiệm đã thực hành rồi.”

 

Mục đích của Thiền là Giáo Ngoại Biệt Truyền, vì thế công việc nghiên cứu kinh điển đã bị xao lãng. Trong những tự viện, kinh sách bị đặt gần tăng đường và chỉ dùng tham khảo khi cần thiết. Công việc thảo luận về những lời chú giải, đọc thông kinh sách, hiểu tường tận ý nghĩa câu cú đều được xem như tìm cát dưới đáy biển. Có nghĩa rằng “có hữu ích gì trong công việc lo đếm tài bảo của người khác?” “Hãy nhìn vào bản tính của bản thân đó chính là Thiền.” Nếu chỉ so sánh như vậy thôi thì không có gì phải bàn luận, nhưng theo sử gia thường quy cho những thái độ trên phát xuất từ tính chất thực dụng chủ nghĩa của con người Trung Hoa. Cách nhìn này không đúng hoàn toàn cho lắm vì nó đi ngược lại truyền thống Phật giáo đã ăn sâu vào toàn thể thế giới Phật giáo từ khoảng năm 500 cho đến năm 1000, về phương diện này có nhiều điểm tương đồng giữa Thiền với Mật giáo Ấn Độ.

 

1-Tư tưởng Thiền đối trội với tư duy hình nhi thượng học, không thích lý luận, có khuynh hướng phủ nhận lý luận, đánh giá cao trực giác hơn là những suy tưởng tinh tế móc nối chằng chịt lẫn nhau. Do đó chân lý càng được diễn tả bằng những danh từ cụ thể càng tốt, không nên bày tỏ bằng từ ngữ chung chung trừu tượng. Những vị tổ Thiền tông thời nhà Đường nổi danh nhờ ở những câu nói thần bí, ẩn ý thâm sâu khó hiểu, kèm theo đó những hành vi độc đáo, khác người. Theo Thiền giải thoát tìm thấy ngay trong những công việc bình thường đời sống thường nhật. Chẳng hạn như Đức Sơn (Hsuan-chien) đã bừng tỉnh ngộ trong khoẳnh khắc khi người thầy thổi tắt ngọn nến, có người khác ngộ đạo khi viên gạch rơi xuống, và cũng có người ngộ đạo trong giây phút bị gẫy chân. Những mẫu chuyện như thế không phải là chuyện lạ. Vì ngay trong những tác phẩm “Trưởng Lão Kệ” và “Trưởng Lão Ni Kệ”(9) bằng tiếng Pali đã đề cập ở trường phái Cổ Trí Tuệ có những người bừng tỉnh ngộ thành chánh quả một cách nhanh chóng qua những sự kiện rất tầm thường. Những vị Thiền Sư tỏ vẻ hãnh diện về những hành động kinh ngạc khác thường, cũng để biểu lộ thái độ không theo lề lối cũ, chẳng hạn như họ đốt tượng Phật bằng gỗ, giết con mèo, bắt con tôm, con cá. Vị thầy hướng dẫn người đệ tử không bằng những lời nói ý nghĩa thâm sâu, nhưng bằng “hành động trực tiếp” như nhéo lỗ mũi, đập anh ta bằng những cây gậy, hay la hét to tiếng. Những công án là cơ sở nền tảng trợ giúp cho tọa thiền, gồm những câu hỏi khó trả lời, vấn đề khúc mắc bắt buộc hành giả phải liên tục suy nghĩ cho đến khi kiệt lực sau khi vận dụng toàn thể tri thức và đột nhiên tìm ra câu trả lời và cũng là lúc tỉnh thức và giác ngộ. Có một số người cho rằng công án là sản phẩm sáng tạo đặc thù của người Trung Hoa, thực ra không phải như vậy, đó chỉ là phương cách tổng quát của Phật giáo dưới hình thái văn hóa người Trung Hoa. Chúng ta có thể tìm thấy điều này vào cùng thời kỳ ở Bengal trường phái Mật giáo Sahajiyas (10) đã dùng lời dạy khó giải thích, khó hiểu một phần để bảo vệ bí mật tư tưởng, một phần dùng hình tượng cụ thể để tránh trừu tượng hóa lời giảng.

 

1-Đốn ngộ  là cụm từ nổi bật của Thiền Nam Tông. Theo Tuệ Năng và những người thừa kế Ngộ đạo không phải là quá trình từ từ, mà là trạng thái đột biến xảy ra trong khoẳnh khắc. Tuy nhiên ngụ ý trong lời dạy đôi khi bị hiểu nhầm, vì các vị Thiền Sư không có ý nói là không cần phải chuẩn bị, và giác ngộ sẽ đến khoẳnh khắc. Các Thiền Sư muốn nhấn mạnh đến chân lý huyền bí đúng cho mọi thời đại, có nghĩa giác ngộ xảy ra trong “khoẳng khắc rất ngắn đến độ không thể xem là thời gian” có nghĩa vượt thời gian và không gian đi vào trạng thái vĩnh cửu, đó chính là hành vi của đấng tuyệt đối, chứ không phải hành vi của bản ngã. Nói cách khác con người không thể làm bất cứ điều gì để đạt lấy giác ngộ (xem phần trường phái Cổ Trí Tuệ). Do đó tu hành khổ hạnh và tham thiền nhập định để mong đạt đến giải thoát chẳng qua giống như “mài chùi viên gạch mong nó biến thành tấm gương.” Trạng thái giác ngộ xảy đến không qua môi giới trung gian hay bất cứ điều kiện cố định, hay những ảnh hưởng nào đó, như đã trình bày, đó là biến cố hoàn toàn “tự do”. Giác ngộ không phải là sự tích lũy công đức từ từ mang đến, mà nó là trạng thái đột khởi bung ra từ nhận thức. Về cơ bản tất cả lời giảng dạy hoàn toàn chính thống, tuy nhiên Thiền tông xa rời giáo lý chính thống khi đưa ra kết luận là không cần phải câu nệ vào những giới luật chi tiết trong việc tu hành, và từ đó đưa đến tình trạng không quan tâm đến mặt đạo đức, hệ quả xảy đến như Thiền tông Nhật Bản đã tuân theo lời yêu cầu chế độ quân phiệt.

 

  1. Có vài nét giống như Tịnh Độ, trường phái Trung Quán, kèm theo đôi chút giống như Mật giáo, Thiền tin rằng hoàn thành Phật đạo hay đời sống Phật giáo chỉ có thể tìm thấy trong sự phủ định nó. Bởi vì Phật hiển hiện bên trong mọi hiện tượng sự vật cuộc sống thường ngày. Vì thế hãy chấp nhận mọi sự vật nó là như thế, đó là tất cả của sự giác ngộ.

Theo Thiền giả, khi nhìn cây gậy bảo nó là gậy.  Muốn đi thì đi; Nếu muốn ngồi thì ngồi. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào tâm không tán loạn.”(11)

Hay là:

Ôi huyền diệu biết là bao! Kinh ngạc biết là bao! Tôi gánh nước… thêm một thí dụ nữa:

 

“Xuân đến trăm hoa nở,

 Thu lại với trăng trong

 Hè về gió mát,

 Đông đến tuyết rơi.

 Thử hỏi còn lo lắng chi

 Niệm niệm vui bốn mùa.”(13)

 

Chú Thích:

 

(1) Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ đầu tiên sáng lập ra Thiền tông, theo truyền thừa kể lại, sinh ra ở Ấn Độ xuất thân dòng dõi Bà La môn, vào khoảng 60 tuổi theo đường biển sang Trung Hoa, đến Quảng Châu vào năm 520, được vua Vũ Đế mời về Kim Lăng thuyết pháp cho vua nghe, nhận thấy cơ duyên chưa đến, cho nên đi về phía đông Lạc Dương vào chùa Thiếu Lâm Tự trên núi Tung, quay mặt vào tường tọa thiền trong 9 năm.

(2) Tín Tâm Minh là tuyệt tác tư tưởng Thiền, tác phẩm gồm 46 câu, 584 chữ, thuyết giảng tư tưởng “Tín Tâm Bất Nhị”.

(3) Bách Trượng viết quyển “Bách Trượng Thanh Quy” quy định một số giới luật trong Thiền tông.

(4) Vào năm 845 dưới triều vua Vũ Tông nhà Đường, Phật giáo bị triều đình đàn áp tàn khốc, còn được gọi là “Tam Vũ Nhất Tông Pháp Nạn” hay là “Pháp Nạn 845”.

(5) Năm vị Thiền Sư đó là: Nam Ngục Hoài Nhượng (677-744); Thanh Nguyên Hành Tư (..-740); Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713); Nam Dương Tuệ Trung (?- 775); Hà Trạch Thần Hội (? – 760).

(6) Đoạn này trích từ tác phẩm “Vô Môn Quan” đoạn thứ 18.

(7) Trích dẫn từ “Phật Quang Quốc Sự Ngữ Lục”, nguyên văn bản hán văn là:

“Càn khôn vô địa trác cô trúc.

 Thả hỉ nhân không pháp diệc không.

 Trân trọng đại Nguyên tam xích kiếm.

 Điện quang ảnh lý trảm xuân phong.”

(8) Tác phẩm của Thiền sư Suzuki Daizetsu gồm có 30 quyển, gom lại thành hai tập, viết chi tiết về văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản.

(9) Hai tác phẩm này là những bài thơ câu kệ do các Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni đọc tụng khi Phật còn sinh tiền.

(10) Trường phái này còn có tên gọi là “Câu Sinh Thừa”, một hình thái của tả phái Mật giáo, có ảnh hưởng lớn với người dân vùng Bengal, chủ trương tương quan bản ngã và thế giới cùng vũ trụ do cảm ứng và suy tưởng hình thành.

(11) Đoạn này trích từ “Cổ Tôn Túc Ngữ Lục” quyển thứ 16.

(12) Câu này trích từ “Bàng Cư Sĩ Ngữ Lục” quyển trung.

(13) Bài thơ này trích từ “Liên Châu Thi Cách” quyển thứ 17. Nguyên văn bằng hán văn như sau: Xuân hữu trăm hoa, thu hữu nguyệt; Hạ hữu lương phong, đông hữu tuyết; Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu; Tiện thử nhân gian hảo thời tiết. còn tiếp

 
Tùng Sơn -dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)