- - Lá thư Trúc Lâm
- - Chúc Xuân Tân Mão
- - Sự bành trướng của Phật giáo
- - Tư tưởng Thiền học Trần Thái Tông
- - Những sắc thái đặc thù Phật giáo
- - Phật giáo tinh hoa và phát triển
- - Quan niệm sống
- - Ý nghĩa xuân Di Lặc
- - Danh Ni Truyện
- - Thiền Sư Hiện Đại
- - Hoa trong mùa xuân
- - Mưa California
- - Hành Y Nghĩa Hiệp
- - Cành Mai Đêm Trước
- - Giáo dục trong đạo Phật
- - Lý Tưởng Đẹp Cuộc Đời Dâng Hiến
- - Bùi Giáng, Nhà Thơ Điên
- - Trầm tư về vũ trụ chung quanh chúng ta
- - Đức Đạt Lai Lạt Ma
- - Truy niệm Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn
- - Người giầu và cái bát mẻ
- - Chữ Xả Của Đạo Phật
- - Đầu Năm Đến Chùa Lễ Phật
- - Lễ Tạ Ơn Tặng Quà & Phát Cơm Cho Người Vô Gia Cư
- - Chùa Bảo Quang tổ chức dạ tiệc gây quỹ
PHẬT GIÁO TINH HOA VÀ
PHÁT TRIỂN
(Nguyên tác: Buddhism its essence
and development)
Tác giả: Edward Conze
Dịch giả: Tùng Sơn
Tương đồng
Những tư tưởng như Bát Nhã và Trung Quán gây kinh ngạc đối với người phương Tây, vì chúng hoàn toàn khác lạ, biệt lập với dòng chính triết học tây phương có từ trước đến nay. Vì thế thật hữu ích để cùng nhau ngẫm nghĩ xem rằng dường như những tư tưởng này không chỉ là hiện tượng mang tính chất đặc thù người Ấn Độ, mà thật ra ở vùng Địa Trung Hải đã biết đến nó và đã có một số tư tưởng tương đồng như thế.
Chẳng hạn như hình thái tư duy phi lý luận của trường phái Trung Quán có cái gì tương đồng với chủ nghĩa hoài nghi của người Hy Lạp. Pyrrhon Elis (1) là người đầu tiên đề xướng ra tư tưởng này (vào khoảng 330 năm trước kỷ nguyên). Ngoài việc nhấn mạnh đến tư tưởng trí tuệ viên mãn, nhân sinh quan của Pyrrhon về mọi khía cạnh chi tiết tỉ mỉ của đời sống rất tương đồng với nhân sinh quan của những người theo trường phái Trung Quán. Pyrrhon không đưa ra học thuyết rõ ràng, tuy thế những đệ tử ông ta là những người sống một đời sống tương tự như Pyrrhon.
“Ông ta khải thị với mọi người bí mật của hạnh phúc bằng cách cho thấy giải thoát có thể tìm thấy trong tư tưởng hòa bình có nghĩa không còn quan tâm, không còn cảm giác, tuân phục theo ý chí; Hơn thế nữa giải thoát đòi hỏi nỗ lực từng cá nhân trong việc hủy diệt bản ngã”.(2)
Vượt thoát ra khỏi dục vọng là mục tiêu lớn nhất của đời sống, và để có bình thản trong tâm hồn là thái độ con người phải nỗ lực tạo dựng nuôi dưỡng nó. Tất cả mọi vật bên ngoài đều như nhau, hay nhất như, giữa những vật này không có sự khác biệt, do đó thánh nhân cũng không phân biệt những vật này. Để đạt đến trạng thái không còn quan tâm, cần phải hy sinh bản năng tự nhiên của con người. Bởi vì mọi kiến giải mang tính chất lý luận đều không có cơ sở trong thực tế, cần phải bỏ sang một bên hoàn toàn những ý kiến hay những định đề. Theo triết học Pyrrhon phân biệt giữa chân lý thế tục (conventional truth) tức những hiện tượng hiện ra trước mặt (phenomena) và chân lý cùng cực (ultimate truth). Theo ông ta chân lý cùng cực hoàn toàn bị che dấu đi. “Tôi không biết rằng mật thì ngọt, nhưng tôi nhận rằng mật đối với tôi là như thế.”
Pyrrhon không cổ vũ cho việc đưa ra phán đoán mang tính chất lý luận, nói theo danh từ chuyên môn gọi là đình chỉ phán đoán (epokhe). Ý nghĩa về từ này rất rõ ràng và được Aristocles giải thích trong ba điều sau đây:
- Bản tính nội tại bên trong sự vật là gì? (Tiếng phạn gọi là svabhava, tương đương tự tính). Đặc điểm của nó là phủ định, bởi vì tất cả mọi vật đều không khác biệt, không đo lường được và không nhất định. Tất cả mọi vật đều bình đẳng không có cái này quan trọng hơn cái kia. Hơn nữa với tất cả mọi vật không thể nói “không phải là A là hơn A.”. Ngoài ra cũng có thể nói xác định là A là A nhưng cũng không phải là A, hay nói phủ định rằng A không là A nhưng cũng không phải là không A.
- Vậy thì lập trường chúng ta như thế nào đối với những sự vật xung quanh? Chúng ta đừng nên tin cái này hơn cái kia. Chúng ta đừng nên lệ thuộc vào chúng. Chúng ta đừng nên bị chúng làm khích động.
- Chúng ta phải đối xử như thế nào? Thái độ khôn ngoan nhất là im lặng không nói, điềm tĩnh, không quan tâm đến. Không hành động là hành động duy nhất có thể làm được.
Từ những điểm tương đồng nêu trên, chúng ta có thể đưa đến kết luận về ngày tháng và năm thành hình tư tưởng Trung Quán ở Ấn Độ. Kết luận sắp đưa ra đây có thể hơi quá đáng, nhưng nó có đầy đủ lý lẽ để chứng tỏ điều này. Nói cho đúng Pyrrhon đã thành lập ra trường phái của ông ta ngay sau khi cùng ông thầy Anaxarchos (3) trở về sau chuyến đi Á Châu, cũng đã tham gia trong cùng đoàn quân chinh phạt của Đại Đế Alexander. Robin và một số nhà triết gia nổi tiếng thời đó đã đi xa thêm một bước và cho rằng Triết học hoài nghi là cái gì hoàn toàn mới lạ đối với người Hy Lạp, và cho đến thời điểm đó không có dấu vết gì chứng tỏ có triết học hoài nghi hiện hữu. Do đó chúng ta có thể suy luận rằng Pyrrhon đã chịu nhận ảnh hưởng tư tưởng này từ Ấn Độ hay Ba Tư. Nếu như bảo rằng Pyrrhon không nhận ảnh hưởng từ Ba-Tư, trong khi đó tư tưởng Trung Quán đã có ở Ấn Độ vào khoảng năm 350 trước kỷ nguyên, chắc chắn tư tưởng này không do các nhà sư truyền đến, vậy thì xác xuất lớn nhất có thể suy luận là Pyrrhon đã có liên hệ với những người trong đạo Jain thuộc trường phái tu khổ hạnh không quần áo có tên gọi là “Tiên nhân trần truồng”. Vào giai đoạn này người theo đạo Jains và tín đồ Phật giáo sống gần gủi lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn nhau qua giáo lý. Có thí dụ khá lý thú người theo đạo Jains tin rằng có 24 đấng cứu thế (tirthankaras), tương tự ở Phật giáo tiểu thừa vào buổi ban sơ cũng cho rằng tiền thân Phật Thích Ca Mâu Ni có hai mươi bốn vị thánh. Từ đó cho thấy tư tưởng Trí Tuệ Viên Mãn trong Phật giáo đại thừa chịu ảnh hưởng phần nào quan niệm của đạo Jains. Một sự thật hiển nhiên những giáo lý tiêu biểu của đạo Jain đều được ghi chép lại qua những lời giảng của Pyrrhon. Cũng để biện hộ cho lý do tại sao không viết sách, Pyrrhon bảo rằng ông ta không muốn tạo áp lực lên tâm hồn bất cứ người nào. Trước khi Pyrrhon nói ra điều này, người tín đồ đạo Jains dựa trên giới luật “không gây hại” từ đó triển khai thành tư tưởng không được gây bạo lực đến tha nhân cũng như ép người khác phải theo ý kiến của mình. Nếu bảo rằng tư tưởng Pyrrhon chịu ảnh hưởng của người Ấn Độ, và tư tưởng triết học của ông ta có nhiều cái giống với tư tưởng Trung Quán mà thường được mọi người cho rằng nó xuất hiện vào khoảng 100 năm trước kỷ nguyên, như vậy chúng ta cần phải đi ngược lại về giai đoạn 350 năm trước kỷ nguyên tức vào khoảng 150 năm sau khi Phật nhập niết bàn.
Dù thế nào đi nữa điểm đặc biệt đáng lưu ý trong cuộc thảo luận này là trong cùng một thời đại vào khoảng 200 năm trước kỷ nguyên trở về sau, hai nền văn minh khác biệt nhau, một nền văn minh xuất phát từ vùng Địa Trung Hải và một nền văn minh xuất phát ở Ấn Độ, cả hai nơi đưa ra hai tư tưởng về trí tuệ tương tự như nhau dựa trên nền tảng văn hóa đặc thù độc lập của mỗi vùng. Chúng ta cũng còn thấy tại vùng miền đông Địa Trung Hải tập sách về trí tuệ còn gọi là cựu thánh kinh đã xuất hiện cùng thời kỳ với Bát Nhã Tâm Kinh.
Sau này dưới ảnh hưởng của đại đế Alexandra, những người thuộc trường phái Gnostic (tri thức) và trường phái tân Platon đã triển khai nền văn học lấy trọng tâm vào trí tuệ. Ngoài ra từ Philon (5) cho đến Proclus(6) đã bổ sung thêm vào nền văn học này với ngôn từ có nhiều điểm tương đồng với ngôn ngữ của kinh Bát Nhã.
Truyền thống tư tưởng này đã được những người Ky tô giáo như Origenes (7), Dionysius và Areopagita tiếp nối. Hơn nữa chúng ta còn thấy giáo hội Hagia Sophia (8) nguy nga là minh chứng hùng hồn tính chất quan trọng tư tưởng trí tuệ nơi các hệ phái ky tô giáo chịu ảnh hưởng Đông phương. Thêm vào đó qua những bài viết của Chochma và Sophia chúng ta có thể thấy nhiều điểm tương đồng và nhất trí với tư tưởng trí tuệ của kinh điển Phật giáo. Để giải thích cho hiện tượng xảy ra ngẫu nhiên cùng một lúc như thế, gọi nó là “vay mượn” chắc hẳn không có gì là quá đáng. Cũng như không ai bảo rằng luật về xã hội của Lloyd George là “vay mượn” từ Đức quốc. Cách giải thích đúng đắn nhất là phải tìm hiểu động cơ người vay mượn. Nếu bảo rằng vay mượn tư tưởng thì không thể giải thích sự kiện khái niệm trí tuệ ở Phật giáo và Do Thái giáo đã triển khai vào khoảng hai trăm năm trước kỷ nguyên và về sau này hoàn toàn tự nhiên dựa trên nền tảng truyền thống văn hóa có sẵn, không có gì mâu thuẫn với khái niệm cơ bản. Tại đây có điểm khác biệt nổi bật cần lưu ý, là Sophia nhấn mạnh đến vai trò đấng sáng tạo ra thế gian, trong khi đó tư tưởng Bát Nhã không đề cập đến tác dụng của vũ trụ, cũng như nguồn gốc của vũ trụ. Những điểm nổi bật trong tư tưởng của Sophia và Bát Nhã dường như đã được triển khai hoàn toàn độc lập lẫn nhau.
Nhưng nếu chúng ta quan sát bức tượng điêu khắc tỉ mỉ theo mỹ thuật Byzantine vẽ dạng Sophia tay phải đang ra dáng dạy học, còn tay trái cầm quyển sách vào thế kỷ thứ 10 không khỏi ngạc nhiên, có người bảo nó thuộc về mỹ thuật thời Alexandra, nhìn cho kỹ không thể bảo là nó không giống những bức tượng Bát Nhã Ba La Mật ở Ấn Độ.
Nói cho cùng mọi sự tương đồng về tư tưởng có lẽ đều triển khai dưới ảnh hưởng của cùng điều kiện địa lý có chung hình thái sinh hoạt, trải rộng trên toàn thể nền văn minh nhân loại. Hoặc giả trong lịch sử có những rung động bị che dấu đi hay là hoạt động dưới dạng nào đó – theo Jung gọi nó là rung động ở khoảng thời gian nào đó ở nơi xa xôi.
Chú thích:
(1) Pyrrhon là ông tổ học phái hoài nghi thời cổ đại vào khoảng 360 – 270 trước kỷ nguyên, đã cùng đoàn quân Đại Đế Alexander sang chinh phục Ấn Độ.
(2) Trích từ “Pyrrhon et le scepicisme grec.” do Robin, L viết năm 1944, trang 24.
(3) Anaxarchos là triết gia Hy Lạp vào thời Đại Đế Alexandra, tức vào khoảng năm 340 trước kỷ nguyên, đã cùng vua Alexandra tùng chinh sang các nước khác.
(4) Người theo đạo Jain ngày xưa chủ trương không mặc quần áo.
(5) Philon là triết gia người Hy Lạp gốc Do Thái, đã đề xuất lý luận có đấng trung gian giữa đấng sáng tạo và thế gian, phối hợp triết học Hy Lạp và Do thái giáo.
(6) Proclus (410 – 485) triết gia người Hy lạp, thuộc trường phái tân Platon, nhà tư tưởng thời cổ đại.
(7) Origenes (185 – 264) là người thầy của Đại Đế Alexandra, theo phái tân Platon có ý định phối hợp tư tưởng Thiên chúa giáo và triết học Hy Lạ.p.
(8) Sophia cũng còn là tên vị thánh Sophia, nhà thờ này ở Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ là lối kiến trúc tiêu biểu nổi danh thời trung cổ.
Chương Thứ Sáu
Niềm tin và sự quy y nơi Phật giáo
Đón nhận niềm tin
Việc ra đời trường phái tân trí tuệ là cuộc vận động của những vị tăng ưu tú phát xuất từ lòng từ bi xem ước vọng của đại chúng như chính ước vọng của chính họ. Như đã mô tả ở chương trước tự chính trường phái này không thể thiết lập giáo lý hình nhi thượng học trừu tượng với mức độ cao để có thể thỏa mãn tất cả nhu cầu tâm linh. Cũng vì lý do này và cũng để hoàn thành sứ mạng của mình trường phái tân trí tuệ phải bổ túc vào giáo lý hình nhi thượng học với hệ thống tín ngưỡng thần bí.
Bồ Tát là người với quyết tâm tiềm ẩn trong người Thiện xảo phương tiện, không thể giới hạn hoạt động thu hẹp lại trong phạm vi nhân danh giải thoát con người và chỉ khuyên họ thiền định về tính không mà thôi. Vì nếu chỉ ngừng lại ở đó thôi thì đa số quần chúng sẽ bị bỏ lại đằng sau. Do bởi quần chúng phần lớn thiếu hiểu biết về triết học, bận rộn với công việc sinh nhai, trói buộc ăn sâu vào tâm hồn những vấn đề như tài sản, gia đình và gia tộc. Hơn nữa người tại gia vẫn thường bị nỗi đau khổ theo đuổi, nhưng vì bản tính con người là thanh tịnh, tiềm ẩn trong người niềm ước vọng tinh thần, vì thế họ vẫn có thể hiểu được những lời Phật dạy.
Vì thiếu năng lực trí tuệ, tín đồ tại gia phải dựa vào tín ngưỡng. Có nghĩa với phương pháp trí tuệ siêu nhiên thần bí được bổ sung với niềm tin còn được gọi là Bhakti (Thành Tín). Long Thụ chia niềm tin thành hai loại, phương pháp dễ dàng gọi là tín ngưỡng, phương pháp khó khăn nghiêm túc gọi là Trí Tuệ. Cả hai phương pháp này đều cùng đi đến một mục tiêu, cũng như người đi bằng đường bộ, hay đường biển để đến cùng một thành phố. Có những người thích phương pháp tu tập nghiêm khắc, đòi hỏi thể lực, khí lực và thiền định. Trong khi đó có những người dễ đi theo phương pháp đơn giản có nghĩa chỉ đọc danh hiệu Phật, nghĩ dến Phật thôi có thể nhanh chóng đạt đến quả vị Bất Thoái Chuyển (1), và cũng từ quả vị này họ có thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn.
Trong Phật giáo tiểu thừa, tín tâm là đức tính phụ thuộc nay trở thành ngang hàng với trí tuệ. Theo đó sức mạnh tín tâm để giúp cho giải thoát to lớn hơn những gì trường phái cổ đã chủ trương. Điều này cũng nói lên rằng con người càng ngày càng đi xuống, do đó phương pháp tu luyện khổ cực(2) cần nhiều nỗ lực trí tuệ không còn áp dụng đến quần chúng được nữa, ngay cho đến giới tăng lữ. Với tình huống như thế phương pháp tín ngưỡng dễ dàng có lẽ là phương pháp duy nhất mà mọi người còn có khả năng thực hiện được.
Vào khoảng từ năm 400 trước kỷ nguyên trở về sau, đã phát khởi công cuộc vận động niềm tin (Bhakti) ở Ấn Độ, và đến khoảng thời gian bắt đầu kỷ nguyên, phong trào này đã tạo thành thế lực lớn mạnh. Bhakti có nghĩa là sự quy y với lòng sùng ái, tôn kính, ngưỡng mộ đến những thần linh qua dạng hình con người. Có thể nói vào giai đoạn đầu kỷ nguyên tín ngưỡng về niềm tin bùng nổ mạnh trong quần chúng Ấn Độ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến Phật giáo vào lúc bấy giờ.
Trường phái tân trí tuệ với giáo lý hình nhi thượng học cũng rất uyển chuyển trong giai đoạn này một mặt hấp thụ khuynh hướng “niềm tin”, đồng thời tạo dựng thành nền tảng triết học mới. Kết quả mang đến là sự phối hợp hữu cơ giữa “Tân trí tuệ” và “niềm tin” tạo thành cái có thể gọi là tín ngưỡng Phật giáo.
Trường phái Đại thừa nhấn mạnh đến tính chất phổ cập mang giải thoát đến tất cả mọi người, mang tính chất đối nghịch với tiểu thừa chuyên chú trọng vào những người ưu tú, không đủ khả năng, phương tiện hướng dẫn những người thiếu khả năng. Người đại thừa nhận trách nhiệm và xem trọng việc cứu giúp những người còn non kém, thiếu hiểu biết. Người đại thừa cho rằng cần phải làm mọi cách để giúp cho họ hiểu giáo lý, hoặc ít nhất giúp cho họ biết đến Phật pháp. Đứng trên lập trường tín ngưỡng mà nói, lý luận về trí tuệ viên mãn có khuynh hướng dẫn đến phủ nhận niềm tin. Vì nếu bảo rằng Niết Bàn và thế gian là đồng nhất, mọi vật đều giống nhau, tất nhiên không còn có sự khác biệt giữa người ngộ đạo và người chưa ngộ đạo, giữa người khôn và kẻ ngu, giữa thanh khiết và nhơ uế, vì mọi người đều có cùng cơ hội đạt đến giải thoát. Vì nếu lòng từ bi của Phật vô hạn, Phật phải cứu vớt những người còn u mê. Nếu Phật tính tồn tại bình đẳng trong tất cả mọi người, tất nhiên mọi người đều có khả năng để thành Phật. Do đó tín ngưỡng Phật giáo Đại thừa dẫn đến kết luận rất thực tiễn, triển khai phương pháp loại trừ cách biệt giữa người nghèo và người giàu, giữa người ngu và người có học, giữa kẻ phạm tội và thánh nhân, giữa ô uế và thanh khiết. Bởi vì mọi người đều có khả năng đạt đến giải thoát, do đó mọi người đều bình đẳng để đạt đến chân lý.
Chú Thích:
(1) Đây là quả vị người tu hành Phật đạo đạt được trên con đường tu học, không còn lay động, hay thối lui.
(2) Theo giáo lý Tịnh Dộ có hai phương pháp tu tập, pháp môn khó gọi là tự lực bản nguyện, còn pháp môn dễ gọi là tha lực bản nguyện.
Lịch sử kinh điển
Kinh điển trường phái Tân Trí Tuệ phối hợp ngôn ngữ cách hành văn và tư tưởng vào việc quy y nơi đấng toàn năng với hình dạng con người. Kinh điển về tư tưởng này xuất hiện ở Ấn Độ vào đầu kỷ nguyên. Vào khoảng 400 năm cho dến 500 năm sau càng ngày càng bị tư tưởng Mật giáo áp đảo, theo đó những câu thần chú được đem vào kinh điển, người ta tin rằng đọc thần chú có thể đến gần chư Phật, và trợ giúp cho những lời ước nguyện được viên mãn (Tham khảo thêm phần về Mật giáo).
Vị Phật đầu tiên trở thành đối tượng của tín ngưỡng này là A Xúc Phật (Akshobhya), ngự trị ở phương đông, nước Phật gọi là Diệu Hỷ Quốc (Abhirati). A Xúc Phật dược nói nhiều đến ở kinh diển Phật giáo đại thừa vào buổi ban đầu, và được nhiều người tín tụng nhiều nơi, nhưng truyền thuyết về Phật A Xúc chỉ còn xót lại một cách rời rạc. Cũng vào cùng giai đoạn đó tín ngưỡng Phật A Di Đà (Vô Lượng quang Phật) xuất hiện, cho thấy chịu ảnh hưởng mạnh từ người Ba Tư.
Phật A Di Đà (1) còn được gọi là Vô Lượng Quang Phật giáo chủ cõi phương Tây, luôn luôn mang theo ánh sáng vô lượng. Vị Phật này còn được gọi là Vô Lượng Thọ Phật vì đời sống của Phật là vô hạn. Có nhiều kinh sách nói về Vô Lượng Quang Phật, một trong những bộ kinh nổi tiếng là Vô Lượng Thọ kinh (Sukhavati-vyuha), còn được gọi là Kinh A Di Đà. bộ kinh này nói về nguồn gốc cấu tạo cõi Phật ở, còn được gọi là tịnh dộ. Ngoài ra chúng ta còn thấy Dược Sư Phật (Bhaishajyaguru)(2) rất được đông đảo quần chúng thành tâm tin vào sức độ trì. Riêng ở Trung Hoa và Nhật Bản Phật A Di Đà (Vô lượng Quang Phật) được ái mộ hơn những vị Phật khác. Ở Ấn Độ Vô Lượng Quang Phật không được tín ngưỡng mạnh như ở các nước miền Đông Á
châu, nhà sư Tuệ Nhật (3) người Trung Hoa hành hương sang Ấn Độ vào khoảng năm 702 cho đến 719 có ghi kể lại rằng ông ta có nghe nhiều người nói về Vô Lượng Quang Phật và thế giới Tịnh Độ (4).
Ở một số bộ kinh khác thường đề cập đến Bồ Tát, không khác gì chư Phật, số bồ tát cũng có rất nhiều. Nhưng ở đây chúng ta chỉ có thể đề cập đến một vài vị Bồ Tát. Trong số những sáng tạo mang tính chất thần thoại tưởng tượng phong phú của Phật giáo, Quan Thế Âm Bồ Tát là thí dụ điển hình nhất. Với thần thông lực, tình thương vô biên và tài năng, Quan Thế Âm Bồ Tát có khả năng cứu vớt những người đau khổ. Chữ Avalokitesvara là danh từ ghép do từ ishvara có nghĩa là vua, đấng cai trị, và từ avalokita có nghĩa là nhìn xuống với lòng từ bi đến chúng sinh đau khổ trên thế gian này. Do đó Quan Thế Âm Bồ Tát là biểu hiện lòng từ bi. Theo một số kinh điển và những hình tượng điêu khắc, chúng ta có thể thấy sự phát triển khái niệm Quan Thế Âm Bồ Tát ở Ấn Độ có thể chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất Quan Thế Âm Bồ Tát là một Bồ Tát trong tam vị nhất thể gồm có Vô Luợng Thọ Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát (Tức là người đã đạt được sức mạnh vô biên).
Khái niệm tam vị nhất thể của Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với tôn giáo người Ba-Tư, chẳng hạn như đạo Mithras, với đạo Zervanism thừa nhận thời gian là vô hạn (5) như là một nguyên tắc căn bản. Khi tư tưởng này vào Phật giáo, Quan Thế Âm Bồ Tát trở thành Bồ Tát vĩ đại đến độ có thể nói hoàn hảo như Phật. Quan Thế Âm bồ tát mang sức mạnh cứu giúp kỳ diệu, có khả năng cứu độ mọi tình trạng hiểm nguy và khó khăn. Sang đến giai đoạn thứ hai, Quan Thế Âm Bồ Tát có thêm được số uy lực mang tính chất vũ trụ. Khi ấy bồ tát nắm vũ trụ trong lòng bàn tay, Bồ Tát trở lên lớn vô hạn có thể nói vô số tỷ dặm, mỗi lỗ chân lông của bồ tát là một thế gìới (6) . Ngài là vua là chúa tất cả các loài. Đôi mắt Bồ Tát sinh ra mặt trời và mặt trăng, từ miệng tạo ra gió và từ chân biến thành quả địa cầu. Với những đặc điểm này Quan Thế Âm Bồ Tát mang tính chất tương tự như Phạm Thiên, vị thần của đạo Hindu.
Sau cùng sang giai đoạn thứ ba, vào giai đoạn này yếu tố thuật chú ảnh hưởng mạnh trong nếp sống tín ngưỡng, và khi đó Quan Thế Âm Bồ Tát trở thành nhà thuật chú vĩ đại mang nhiều sức mạnh vô biên hàm chứa trong các câu chú. Đây cũng là đặc điểm ảnh hưởng từ thần Shiva (7). Trong mức độ nào đó, Bồ Tát Văn Thù cũng được kính mến như Quan Thế Âm Bồ Tát trong nhân gian. Bồ Tát Văn Thù là biểu tượng cho trí tuệ. Một số kinh điển vào khoảng 250 năm trước kỷ nguyên có đề cập đến Bồ Tát Văn Thù và một số các Bồ Tát khác như Địa Tạng Bồ Tát (Kshitigarbha) và Phổ Hiển Bồ Tát (Samantabhadra). Nếu dộc giả muốn tìm hiểu thêm chi tiết về các Bồ Tát có thể tìm đọc thêm trong tác phẩm Phật Giáo Nhật Bản do tác giả Ch. Eliot’s. (8) viết.
Chú Thích:
(1) Phật A Di Đà được dịch sang từ tiếng Phạn Amitabha.
(2) Dược Sư Phật là đấng giáo chủ ở thế giới tịnh lưu ly thuộc phương Đông, có phát ra 12 lời nguyện, chữa trị hết tất cả bệnh tật của chúng sinh.
(3) Từ Mẫn Tam Tạng Tuệ Nhật (Huei-je) 680-748, nhà sư thuộc phái Tịnh Độ đời Đường, gặp Nghĩa Tịnh khi còn trẻ, chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nghĩa Tịnh đi hành hương sang Ấn Độ bằng đường biển vào năm 702, sau 18 năm lưu học trở về Trung Quốc thành lập hệ phái Từ Mẫn thuộc Tịnh Độ.
(4) Theo “Tống Cao Tăng Truyện” quyển thứ 29, và Đại Chánh Tạng kinh quyển 50.
(5) Thời gian vô hạn là biểu tượng sự hiện hữu siêu việt vượt lên trên hai hai vị thần, một ác và một thiện.
(6) Trích từ Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vưong Kinh quyển thứ nhất.
(7) Shiva là một trong ba vị thần của Ấn Độ giáo, mang hai tính chất là Hạnh Phúc và cuồng bạo, trở thành Đại Tự Tại Thiên khi vào Phật giáo.
(8) Eliot (1864 – 1931) là nhà ngoại giao Anh Quốc, đồng thời cũng là nhà học giả về Đông Phương.
(Còn tiếp)
Tùng Sơn