- Phật Giáo Tinh Hoa và Phát Triển - Tùng Sơn

19/05/201212:00 SA(Xem: 9265)
- Phật Giáo Tinh Hoa và Phát Triển - Tùng Sơn




Phật Giáo Tinh Hoa và Phát Triển

Tùng Sơn

 (Trích dịch từ Buddhism its essence & development)

Tác giả: Edward Conze


 Chương Thứ Tám

 

Mật Giáo hay Phật Giáo Thần Bí

 

Những vấn đề của Mật Giáo

 

Khác biệt với người Âu Châu hiện đại, người Á Châu trong đời sống thường nhật hằng ngày không xa lạ gì với những trò ảo thuật, bùa chú. Về điểm này để có hình ảnh rõ rệt cụ thể về người theo đạo Hindu, người Á-Rập, hay người Trung Hoa nhìn vấn đề này như thế nào. Chúng ta hãy xem thí dụ sau. Vào thế kỷ thứ 14. Ibn Bututa (1) người du lịch gốc Á-Rập đến thăm quan thái thú tỉnh Hàng Châu thấy cảnh tượng như sau. Có một người phù thủy:

 

“Lấy ra một quả bóng bằng gỗ có nhiều lỗ, với sợi dây dài xuyên qua những lỗ này, ông ta nắm trong tay một đầu dây và ném quả bóng vào trong không trung. Quả bóng đi lên quá cao đến độ không còn nhìn thấy hình bóng nó nữa. Lúc đó chỉ còn thấy đoạn dây trong tay người phù thủy, ông ta ra lệnh cho người thiếu niên đi theo phụ tá nắm đoạn dây còn lại và leo lên trên sợi dây. Anh ta làm đúng theo lời ông ta leo lên trên sợi dây và tiếp tục leo rồi cũng không thấy anh ta đâu nữa! Người phù thủy gọi anh ta ba lần, nhưng không có tiếng trả lời, ông ta giận dữ, rút ra con dao, nắm lấy sợi dây leo lên rồi cũng biến mất luôn! Khoảng một lúc sau, cánh tay người thiếu niên lúc nãy, rồi chân, thêm một cánh tay, và lại thêm một chân nữa, rồi phần thân thể, cuối cùng cái đầu rơi xuống! Sau đó ông ta leo xuống với hơi thở dồn dập, quần áo thấm đầy những máu, thế rồi cúi đầu hôn mặt đất trước mặt nhà vua, và nói với nhà vua vài tiếng Trung Hoa. Nhà vua trả lời bằng vài câu mệnh lệnh, người phù thủy của chúng ta đi nhặt những phần của thân thể thiếu niên gom lại một chỗ, rồi đá một cái, kinh dị thay! Người thiếu niên vùng đứng dậy ngay trước mặt mọi người! Hình ảnh kinh ngạc này có thể nói vượt qua mọi sức tưởng tượng. Ông Kazi Afkharuddin ở ngay bên cạnh tôi có nói như sau:’Anh có hiểu không! ‘ Theo tôi không có leo lên, không có leo xuống, không có vết thương lẫn chữa trị vết thương; Tất cả là trò bịp bợm.” (2)

 

Theo Bát Nhã Tâm Kinh toàn thể quá trình tu tập để giải thoát có cùng tính chất như trò ảo thuật này. Sau đây có mẫu chuyện đối thoại giữa Đức Phật và Tu Bồ Đề như sau:

 

“Phật nói: ‘Này ông Tu Bồ Đề, có một nhà phù thủy siêu đẳng, hoặc người đệ tử nhà phù thủy có thể hoá hiện đám đông người ở ngã tư đường; Sau đó ông ta có thể làm đám người này biến mất đi. Ông Tu Bồ Đề, ông nghĩ thế nào về mẫu chuyện này? Đám người này do ai giết, hay bị ám hại, hay bị tàn sát, hay bị làm cho biến mất đi?

Tu Bồ Đề:Thưa đức Thế Tôn! chuyện này không có thật đâu!

Phật:’ Tương tự như Bồ Tát, một vĩ nhân dẫn dắt vô số chúng sinh vào niết bàn, tuy thế không có người vào niết bàn lẫn cả người dẫn dắt vào niết bàn. Nếu có Bồ Tát nghe điều này không rùng mình, không hoảng hốt lẫn không sợ hãi. Người đó được xem như trang bị với tấm áo giáp vĩ đại.”(3)


Mật giáo rút ra kết luận thực tế. Đó cũng là kết luận hợp lý của sự phát triển những dòng tư tưởng đã có từ trước, cùng với những vấn đề khó khăn đã được chính những nhà học giả đưa ra. Đương nhiên nếu đứng trên lập trường xác tín rằng “Nguyên Thủy” Phật giáo là một tôn giáo hoàn toàn hợp lý, không có một chút gì siêu nhiên, thần bí, với một tăng đoàn luân lý đứng đằng sau, chắc hẳn một số người cảm thấy khó hiểu khi nhìn tính chất thoái hóa của Mật giáo cũng được gọi là “thuần túy” Phật giáo. Trên thực tế, Phật giáo luôn luôn có tương quan mật thiết với những cái mà người duy lý cho là mê tín (xem phần Phụng sự của tăng già). Trên thực tế, không ai đặt thành vấn đề về sức mạnh tâm linh và ngay cả những năng lực kỳ diệu. Công việc nuôi dưỡng bồi đắp sức mạnh siêu nhiên như thế, với những người thích hợp với nó thì cho đó là một trong những điều kiện đưa đến giải thoát, mặc dù đối với những người khác tỏ thái độ hoài nghi. Quần chúng thừa nhận sự hiện hữu của linh hồn, cũng như những sức mạnh có tính cách ma lực và cho đó là điều đương nhiên, niềm tin này đã hình thành phần nào cơ sở cho vũ trụ luận vào thời bấy giờ.

 

Khi người Âu Châu viết về Mật giáo thường hay mất tự chủ vì bị cảm tính chi phối. Những phản cảm của họ một phần do lý trí, bởi vì họ tin rằng họ đã thoát ra khỏi tín ngưỡng có tính cách ma thuật của tổ tiên họ. Hơn nữa Mật gíáo dễ có khuynh hướng khơi dậy lòng phẫn nộ về mặt đạo đức. “ Ngoài ra đối với họ, trên phương diện lịch sử Phật giáo một tôn giáo hình nhi thượng, vĩ đại đáng khâm phục đang lần lần nhường chỗ cho những ông thần được nhân cách hóa bằng những ma thuật, theo với nghi thức lễ bái nhố nhăng, đầy rẫy mê tín. Tu khổ hạnh cao quý trong quá khứ nhường chỗ cho hành vi vô lối có chủ tâm. Trước kia đức tính phá chấp, không ham lợi danh đã được thay vào bằng ham muốn sao cho phù hợp với những tham vọng đê tiện nhất, và ngày xưa chấp nhận hoàn cảnh nay thay vào bằng cách dùng sức mạnh để chiếm đoạt. Ngày xưa thanh bần là yếu tố giúp cho thăng hoa tinh thần, ngày nay con người cầu mong các thần Kuvera (4), thần Jambhala và thượng đế giúp cho giàu có .v.v” 

 

Những thái độ bất mãn nêu trên cho thấy họ không đánh giá đúng về Mật giáo. Nói cho đúng Mật giáo có hai mục đích – Thành tựu (siddhi) đạt lấy giác ngộ viên mãn ngay trong cuộc đời này, và thành công có sức khỏe, giàu sang và sức mạnh. Tuy nhiên sự phối hợp ước nguyện rất là phi lý giữa cái mục tiêu xuất thế và nhập thế cũng đã biểu hiện tính chất cổ xưa như chính tự Phật giáo, và đó cũng chính là nền tảng sức mạnh của Phật giáo (Ảnh hưởng tín đồ tại gia). Theo Mật giáo, thiếu đạo đức ở đây không phải là thiếu đạo đức của con người thế gian, mà là thiếu đạo đức của những thánh nhân. Mật giáo cho rằng những câu chú và những nghi thức là phương cách chắc chắn nhất để đạt đến giác ngộ hoàn toàn, đúng ra nhấn mạnh điều này là mới mẻ, nhưng cũng là hệ quả tất nhiên sau quá trình phát triển lâu dài. Bỏ qua cơn ác mộng của một số người lầm đường tà đạo không đáng tôn kính, Mật giáo là một quá trình phát triển của Phật giáo sử không thể tránh được.

 

 Chú thích:

(1) Ibn Batura (1304 – 1377) nhà địa lý học, nhà du lịch gốc Á- Rập.

(2) Trích từ quyển “the book of ser Marco Polo” xuất bản ở London, năm 1903.

(3) Kinh Đại Bát Nhã quyển thứ 538, Đại Tạng kinh quyển thứ 7.

(4) Thần biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý trong các câu chuyện thần thoại Ấn Độ, sau này mang vào Phật giáo thành thần Tỳ Sa Môn Thiên và Đa Văn Thiên.

 

 

Lịch Sử Mật Giáo

 

 Hiện nay chưa có dữ kiện đúng đắn để xác định một cách chính xác khi nào tu tập theo Mật giáo thực sự bắt đầu. Người theo Mật giáo cũng có khuynh hướng bí mật. Những tư tưởng có tính cách bí truyền, thần bí thường được lưu truyền trong xã hội nhỏ đóng kín giữa những người cùng nhận sự truyền thụ trong một thời gian dài trước khi đem truyền ra ngoài. Khi hệ tư tưởng ít nhiều được công bố ra ngoài, Mật giáo đã tạo được thế lực khá mạnh vào khoảng 500 năm hay 600 năm sau kỷ nguyên. Tuy nhiên khi đi ngược trở lại thời kỳ bình minh lịch sử loài người, vào giai đoạn ban sơ, xã hội nông nghiệp bị xâm nhập lan tràn bởi ma thuật và thuật chú, lấy con người làm vật tế lễ, thờ cúng nữ thần, với những nghi thức cúng kiếng đến các thần ở thế giới bên kia để được mùa. Mật giáo thực sự không phải là một sáng tạo mới, mà là kết quả tổng hợp nền tín ngưỡng sơ khai, nguyên thủy với truyền thống dân gian cộng thêm vào đó tư tưởng Phật giáo.

 

Kinh điển Mật giáo thì rất nhiều, phần lớn vẫn còn chưa được nghiên cứu, chưa được phiên dịch, ngôn ngữ thì khó hiểu mập mờ, đó cũng là chủ đích của Mật giáo không chừng. Tương tự như đạo Hindu, tín đồ Phật giáo chia Mật giáo ra thành tả phái Mật giáo và hữu phái Mật giáo. Lý do đạo Hindu phân chia thành hai là dựa theo nguyên lý nam tính trong vũ trụ ‘hữu phái’ (dakshinacarins), và nguyên lý nữ tính trong vũ trụ ‘tả phái’ (Vamacarins). Trong khi đó ở Mật giáo sự khác biệt giữa hai hệ phái nằm phần lớn thái độ về tính dục. Có lẽ thật thích hợp gọi hệ phái tả Mật giáo là hệ phái tính lực. Trường phái tính lực trong đạo Hindu có tương quan mật thiết với đạo Shiva. Hơn nữa giáo lý đạo Shiva có ảnh hưởng rất lớn đến trường phái tính lực của Mật giáo. Danh từ Shakti (1) dịch theo Hán Việt gọi là tính lực có nghĩa là năng lực sáng tạo hay uy lực của vị thần được nhân cách hóa thành người hôn thê. Đối tượng sùng bái tính lực trong đạo Shiva được hướng đến người vợ thần Shiva, là Parvati hay Uma, còn được gọi là Nữ thần vĩ đại, hoặc Người mẹ vĩ đại. Đặc điểm ở đạo Shiva là các vị thần được biểu tượng trong hai dạng từ bi và phẩn nộ. Hình tượng phẫn nộ của nữ thần Parvati (2) còn được gọi là Durga có nghĩa khó đến gần được, hay nặc danh gọi là Kali có nghĩa là vật màu đen. Hình tượng phẫn nộ còn biểu tượng liên hệ đến chết chóc, tàn phá, gọi hồn, động vật và những người bị biến thành vật hy sinh. Đồng trong thời đạo Hindu có rất nhiều nữ thần, nữ phù thủy, và ma nữ, một số những nữ thần được mang vào trường phái tả Mật giáo. Vào thời bấy giờ những tín đồ đạo Shiva cực đoan không được kính nể bao nhiêu. Nhà phù thủy Bhairavananda của đạo Shiva đã ca điệu khúc sau trong một vở tuồng vào khoảng năm 900 ở Ấn Độ:

Hỡi ơi! Thánh điển và thần chú

Địa ngục đang đón chờ mi.

Chẳng cần tham thiền cũng đạt đạo.

Với rượu và đàn bà sống thỏa thích,

thế rồi nhảy nhót đến khi giải thoát!

Người con gái tràn nhựa sống trên bàn tế lễ.

Thịt ngon, rượu mạnh, tấm da cừu;

Tất cả là vật cúng dường.

Có tôn giáo nào hơn ở đây?

Thần Vishnu, Phạm Thiên hỡi các ngài,

Thiền định, nghi thức, kinh Vệ Đà là phương giải thoát.

Những người yêu kính thần Uma,

Vui với rượu, đàn bà là phương gỉải thoát.”(3)

 

Công việc nghiên cứu có tính chất học thuật về các văn kiện, tư liệu về Mật giáo vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Trong hiện tại qua nhận định về các trường phái Mật giáo, chúng ta có thể thấy hai trường phái nổi bật nhất là trường phái tả gọi là Kim Cương thừa (Vajra-yana) và trường phái hữu gọi là Mật tông (Mi-tsung). Nói nôm na Vajra có nghĩa là Thiên Lôi, là loại vũ khí mà các vị thần như Indra (4), Zeus (5), và Thor (6) hay xử dụng rất có hiệu quả. Không có vật gì có thể hủy hoại Vajra, mà ngược lại Vajra có thể phá hủy tất cả mọi thứ. Về sau Phật giáo xử dụng danh từ này để biểu thị cho loại vật siêu nhiên, cứng như kim cương, trong sáng như không gian trong suốt, và mạnh như thiên lôi. Hiện nay ở Mật giáo Vajra đồng nghĩa như chân lý cùng cực, đồng dạng như Pháp và giác ngộ.

 

Trường phái Kim Cương Thừa huyền thoại hóa tư tưởng tính không, và giảng rằng người tu tập giáo lý này xuyên qua phối hợp những nghi thức sẽ tái tạo lại Kim Cương Tính có sẵn trong người, chuyển hóa thành Kim Cương hữu tình (Vajrasattva). Khởi nguồn cho khái niệm Kim Cương thừa cần phải đi ngược lại giai đoạn vào khoảng năm 300 sau kỷ nguyên. Như chúng ta biết hệ thống tư tưởng này có vào khoảng từ năm 600 trở về sau, và bộ luận tập Guhyasamaja-tantra (Tập hợp huyền bí Mật giáo) được xem như tối cổ nhất. Trường phái Kim Cương thừa được tạo thành bởi một số các luận sư trong số đó người được gọi là đời Long Thụ thứ hai (năm 600- năm 650) là người nổi tiếng nhất. Tên những vị luận sư này được ghi chép lại cho đến năm 1100 sau kỷ nguyên. Trường phái Kim Cương thừa phát sinh ở vùng cực bắc Ấn Độ, phía đông là cao nguyên Assam thuộc Bengal, phía tây thuộc khu vực Uddiyana, có lẽ là vùng xung quanh Peshawar. Do đó có phần nào tư tưởng không phải của Ấn Độ gây ảnh hưởng trong việc hình thành tư tưởng Mật giáo. Với chủ nghĩa thần bí mật giáo, nhấn mạnh đến nguyên lý nữ tính cho thấy phần nào it nhiều vay mượn từ nền văn hóa Ấn Độ thuộc giống dân Dravidian (7) có truyền thống tín ngưỡng Nữ thần thôn làng, tại đây họ vẫn còn giữ tập tục chế độ Nữ tộc trưởng, theo đó là tín ngưỡng Mẹ Nữ thần ở cấp độ sùng tín hơn tôn giáo Vệ Đà đã có.

Ở vùng Bengal dưới sự bảo trợ của triều đại Pala (năm 750- năm 1150) đã giúp cho giáo lý Mật giáo được phát triển và hệ thống hoá lại. Vào giai đoạn đó Phật giáo chính thức là tổng hợp tư tưởng Bát Nhã và Mật giáo. Những nhà sư tu học ở học viên Nalanda hay những Tự Viện thuộc vùng cai trị triều đại Pala, và được các nhà vua thuộc triều đại này dựng lên như Tự Viện Vikramasila, Tự Viện Jaggadala, Tự Viện Somarupa đều phối hợp hình nhi thượng học huyền bí trong giáo lý, giống như câu chuyện tu sĩ Gerbert (8) ở thành Rheims và tín ngưỡng dân gian thời trung cổ vào thời Đại Đế Albert. Có thể nói Vagisvarakirti là người tiêu biểu cho những mối quan tâm phát triển Mật giáo vào khoảng năm 1000, Taranatha (9) có ghi lại như sau:

 

“Thường xuyên ngắm nhìn dung nhan thần Tara, ông ta không còn một chút nghi ngại, giải quyết mọi chuyện. Ông ta dựng lên tám trường học về tôn giáo chuyên dạy Bát Nhã Tâm Kinh, bốn trường để học hỏi về Guhyasamaja, ba trường còn lại mỗi trường chuyên học về ba loại Mật giáo khác nhau. Ông ta cũng dựng lên nhiều trường học tôn giáo đều dạy tư tưởng trường phái Trung Quán (tư tưởng Không). Ông ta cũng bào chế ra nhiều thuốc trường sinh bất tử, phân phát cho nhiều người, vì thế nhiều người già sống đến hơn 150 tuổi, và trở lên trẻ lại.”

 

Công việc phối hợp Bát Nhã Tâm Kinh và tư tưởng Mật giáo cho thấy một sức sống mãnh liệt. Tinh thần này đã bị tiêu diệt ở Bengal do thế lực Hồi giáo xâm nhập, tuy nhiên truyền thống này vẫn được truyền sang Java, Nepal, và Tây Tạng, và tiếp tục sinh động hiện nay.

 

Chúng ta biết rằng trường phái hữu Mật giáo truyền lại xuyên qua hệ thống tư tưởng của Bất Không (10), hiện còn sót lại ở Trung Quốc. Hệ tư tưởng này cũng còn được xem như tiếp nối từ Long Thụ. Trường phái Mật Tông Trung Hoa là hệ thống Mật giáo phối hợp cả hai được biểu hiện bằng Mạn Đà La (11). Hai hệ thống đó là Thai Tạng giới Mạn Đà La (garba-dhatu-mandala) và Kim Cương giới Mạn Đà la (vajra-dhatu-mandala), tuy hai nhưng cùng cực nhất vẫn là một và là biểu hiện hai mặt của chân lý. Trong Mạn Đà La Phật Đại Nhật Như Lai là biểu tượng cho vũ trụ. Thân thể Phật chia thành hai phần, bổ túc cho nhau, phần thụ động Thai Tạng Giới biểu thị tính cách tinh thấn, phần năng động Kim Cương Giới biểu thị tính chất vật chất. Toàn thể thế giới là khai hiện của Phật, được biểu thị bằng Mạn Đà La. Giáo lý này được mang truyền sang Nhật Bản do Hoằng Pháp Đại Sư (Kobo Daishi) vào khoảng năm 800, được gọi là Chân Ngôn Tông. Cho đến năm 1931 trờờng phái này có vào khoảng 8 triệu tín đồ và 11,000 tăng lữ, vẫn còn được xem là một trong những tông phái lớn ở Nhật Bản. Một số tính chất Mật giáo khác cũng được Truyền Giáo Đại Sư (Dengyo Daishi) vị tổ sáng lập trường phái Thiên Thai Nhật Bản đem vào bổ túc bằng giáo lý “Hiển giáo”, dựa theo Pháp Hoa Kinh.

 

Tuy nhiên trường phái Shaktism (Tính Lực) không được phổ cập nhiều ở Trung Hoa và Nhật Bản. Khuynh hướng tính dục phát triển cao vào thế kỷ 11, do hệ phái Lập Xuyên ( Tachikawa)(12) thuộc Chân Ngôn Tông. Chẳng bao lâu hệ phái này bị cấm chỉ hoạt động. Vào năm 1131, một hệ phái mới trong Chân Ngôn Tông thành hình có tên là Tân Nghĩa (Shingi)(13) Chân Ngôn Tông.

 

Những tác phẩm liên quan đến Mật giáo gồm có những bộ luận, thần chú, bài đọc tụng, và câu chuyện mô tả mang tính chất huyền thoại. Những vị thần trong Mật giáo thường có cùng danh hiệu với các vị thần trong tín ngưỡng dân gian. Cho dù có cùng một danh xưng đi nữa ẩn dấu đằng sau đó những khác biệt sâu sắc về chức năng các thần thánh. Những vị thần trong tín ngưỡng dân gian là sản phẩm tưởng tượng mang đầy tính chất thần thoại, được dân gian sùng kính và mong được cứu rỗi. Trong khi đó các vị thần Mật giáo là sức mạnh tinh thần mang tính chất huyền bí, được tạo ra và xử dụng vào trong từng giai đoạn trên con đường đi đến giải thoát.

 

 Chú thích:

(1) Shakti: Trong đạo Hindu có nghĩa nguyên lý sức mạnh thuộc nữ tính, được nhân cách hóa thành nữ thần. về ngôn ngữ học có nghĩa là khả năng sáng tạo, uy lực sinh sản, tạo ra sức mạnh.

(2) Parvati: Nữ thần trong đạo Hindu, được các bà mẹ hay người vợ sùng kính cầu mong cho có sức khỏe hay sống lâu cho người chồng.

(3) Đoạn này trích từ Karupuramanjari, Banares, 1955, trang 22-24.

(4) Indra là thần gió ở Ấn Độ,gồm có thần lửa, thần mặt trời, được gọi tam thần.

(5) Zeus là thần tối cao của Hy Lạp.

(6) Thor là thần sấm sét, của người Nhật Nhĩ man thời cổ đại.

(7) Dravidian là chủng tộc nguyên thủy ở Ấn Độ, theo hệ thống mẫu hệ tổ chức thôn làng, trước khi giống dân Arya xâm nhập vào.

(8) Gerbert là tu sĩ, trở thành giáo hoàng người gốc Pháp đầu tiên, đa tài, biết nhiều môn khoa học, đem toán học và các môn khoa học dạy dỗ dân chúng thời Trung Cổ Âu Châu.

(9) Taranatha (1573 – 1615) người Tây Tạng viết quyển Phật giáo sử, là tài liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Ấn Độ.

(10) Bất Không Kim Cương (Amoghavajra 705 – 774) thường được gọi tắt là Bất Không, đệ tử của tổ Mật giáo Trung Quốc đầu tiên Kim Cương Trí, đã phiên dịch 80 bộ luận, 100 quyển kinh, cũng là một trong bốn nhà phiên dịch kinh điển vĩ đại của nhân loại gồm có Huyền Trang, Chân Đế, La Thập. 

(11) Mạn Đà La khởi nguồn mang ý nghĩa là cảnh giới Phật đã thành chánh giác, cũng có nghĩa vật với tính chất thuần túy, tinh tủy, dần dần do thiền định quán tưởng về cảnh giới Phật biến thành họa đồ. Ở Trung Hoa và Nhật Bản thường ám chỉ tấm tranh vẽ về cảnh giới Phật.

(12) Hệ phái Lập Xuyên do nhà sư Nhân Quan thuộc vùng Musashi Kuni TachiKawa ở Nhật Bản, phối hợp tư tưởng âm dương và giáo lý Chân Ngôn, chủ trương giao hợp nam nữ là phương tiện mang đến giác ngộ, giải thoát.

(13) Tân Nghĩa Chân Ngôn (Shingi Shingon) là trường phái do nhà sư Kakuban xuất thân tu ở núi Cao Dã (Koza san) chủ xướng quan niệm Tự Tính Gia Trì đối trọi lại với quan niệm Đại Nhật Như Lai Bản Địa Pháp Thân đã có từ trước, từ đó tách rời ra khỏi Chân Ngôn Tông nguyên thủy, và được gọi là trường phái Tân Nghĩa Chân Ngôn, lấy ngọn núi Căn Lai (Negoro) thuộc huyện Wakayama làm Đại Bản Sơn. Sau đó hệ phái này phân liệt thành hai trường phái Phong Sơn và Trí Sơn.


 (Còn tiếp)


Tùng Sơn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)