Tùng Sơn trích dịch từ (Buddhism its essence & development)
Tác giả: Edward Conze
Phương Pháp Tu Hành theo Mật Giáo
Tương tự như tất cả các trường phái khác của Phật Giáo, Mật giáo cũng đề xuất một số phương pháp tu tập mang tính chất đặc thù. Về căn bản trong Mật giáo có khác biệt giữa người nhận lễ Quán Đỉnh và người chưa nhận lễ Quán Đỉnh, theo đó có sự phân biệt rõ ràng giữa Hiển giáo và Mật giáo. Dựa theo kinh điển bằng tiếng Pali ghi lại Đức Phật tự hào không dấu diếm điều gì bất cứ tri thức nào liên quan đến giải thoát ngay cả những vật đang nắm trong lòng bàn tay. Trong khi đó Mật giáo cho rằng phương pháp đúng đắn mang lại hiệu quả thực sự cho giải thoát không thể rút ra từ sách vở, mà chỉ có thể được truyền lại qua tiếp xúc với người thầy tinh thần, gọi là Guru. Chỉ có người thầy, là người chúng ta hết lòng kính phục, là người thay thế Phật truyền đạt giáo lý huyền diệu, chân thực mà thôi. Do đó chỉ có một số rất ít người nhận truyền thụ tập hợp xung quanh người thầy, ngoài ra những gì giảng dạy bên ngoài nhóm người này là không đúng chân lý.
Những người chưa được truyền thụ ý nghĩa thâm sâu, vẫn chưa có thể bắt đầu tu tập tinh thần được. Lễ Quán Đỉnh trong Mật giáo mang tính chất hết sức quan trọng không khác gì nghi thức thần bí ở Hy-Lạp hay La-Mã. Hơn nữa chúng ta phải ghi nhận rằng nghi thức truyền thụ Quán Đỉnh không khác gì nghi thức quan trọng vào thời xã hội nguyên thủy, ở điểm này cũng như một số phương pháp khác, có thể nói Mật giáo đi trở lại cung cách hành động và suy nghĩ như thời nguyên thủy. Theo tiếng Phạn gọi nghi thức Quán Đỉnh là Abhisheka, nói cách nôm na là “giỏ nước xuống’. Người nhận nghi thức truyền thụ này được giỏ nước thánh lên trên đầu giống hao hao như lễ rửa tội trong đạo Ki tô giáo. Nghi thức này ra đời lúc đầu tiên được dùng như nghi lễ lên ngôi của vị Hoàng tử vào thời cổ đại Ấn Độ. Tương tự như thế, ở Mật giáo giọt nước trí tuệ có chức năng chuyển hoán người tín đồ thành nhà lãnh đạo tinh thần trên thế gian, chẳng hạn như Đức Phật. Công việc mô tả mọi nghi thức tín ngưỡng, phương pháp tu tập của người nhận lễ truyền thụ, có thể xem đi quá phạm vi quyển sách này. Tuy nhiên có ba phương pháp tu tập cần phải đề cập đến ở đây. Đó là:
I. Liên quan đến vấn đề đọc chú chân ngôn, chúng ta cần phải phân biệt ba thời kỳ. Lúc đầu tín đồ Phật giáo giống như tất cả những người dân Ấn Độ kỳ vọng mong đợi nghi thức thần chú giúp cho họ thoát khỏi hiểm nguy, và gia tăng những lợi ích thế gian. Trong lịch sử nhân loại, việc xử dụng thần chú trong mục đích như trên đã phổ cập đến nhiều quốc gia ở vào thời kỳ tiền kỹ nghệ. Việc xử dụng thần chú ít ra ám chỉ hai giả định sau, giả định thứ nhất là bệnh tật và những bất hạnh là do tác dụng của những ma lực nào đó, giả định thứ hai cho rằng ngôn ngữ có sức mạnh để giải quyết có hiệu quả với ma quỷ, hoặc xua đuổi chúng, hoặc đẩy chúng ra ngoài, hoặc vận động sức mạnh thần bí đầy tình thương để đối kháng lại ác ma. Niềm tin vào hiệu năng của thần chú chân ngôn phần lớn được khích lệ bởi giới tăng lữ và y sĩ, một phần họ là những người có đặc quyền về ngôn ngữ. Tuy thế luôn luôn có người hoài nghi như ông Vasubandhu, một tín đồ nổi tiếng đã nêu ra rằng dược phẩm và dược thảo thường có tác dụng chữa trị bệnh tật. Nhưng cũng có nhà y sĩ e ngại rằng “Nếu như bệnh nhân tự điều trị lấy, không cần chúng ta nữa thì làm sao thu tiền được.” và họ chủ trương rằng dược phẩm chỉ có hiệu quả xuyên qua mantra (có nghĩa thần chú), đây cũng thuộc về bí mật nghề nghiệp. Khi niệm thần chú chân ngôn phát khởi điều kỳ diệu. Tín đồ Phật giáo dùng thần chú của đạo Bà La Môn không chỉ để được bao bọc, che chở mà còn dùng chúng trong các kinh điển Phật giáo. Chẳng hạn tăng Huyền Trang Tam Tạng kể lại với Huệ Lập (Hwui-Li) người ghi lại hành trình đi thỉnh kinh của Huyền Trang, về công dụng huyền diệu của Bát Nhã Tâm Kinh cùng với sự trợ giúp khi xướng đọc danh hiệu Quan Âm khi đi qua sa mạc Gobi như sau:
“Khi gặp đủ loại yêu tinh ma quái bao quanh, cho dù xướng đọc danh hiệu Quan Âm vẫn không đuổi chúng đi được;Nhưng khi đọc Bát Nhã Tâm Kinh cùng với âm thanh tiếng kinh loài ác ma đều biến đi mất trong giây lát. Bất cứ khi nào Huyền Trang gặp hiểm nguy, Bát Nhã Tâm Kinh là khí cụ duy nhất giúp cho Huyền Trang vượt qua và đạt đến sự bình an.”(1)
Vào thời kỳ thứ hai, từ thế kỷ thứ ba trở về sau, tín đồ Phật giáo không ngừng gia tăng việc sử dụng thần chú chân ngôn cho mục đích tìm sự che trở sinh hoạt tinh thần không bị quấy nhiễu bởi những ác thần. Những bộ kinh nổi tiếng như “Pháp Hoa Kinh” hay “Lăng Già Kinh” có những phẩm chuyên nói về thần chú. (2)
Sang đến thời kỳ thứ ba, từ thế kỷ thứ 7 trở về sau, thần chú chân ngôn nghiễm nhiên trở thành một bộ phận trong đời sống của xã hội, là bánh xe chuyển đưa con người đến giải thoát. Cho đến giai đoạn này thần chú chân ngôn được chấp nhận trong việc hỗ trợ công việc tu tập mang tính phụ thuộc trước kia, nay trở thành chân ngôn thừa (Mantra-yana), bánh xe chân ngôn, chính là chìa khóa để giải thoát con người ra khỏi những trói buộc về sự hiện hữu. Nếu tu tập đúng theo đúng phương pháp không có gì mà thần chú chân ngôn không thể đạt đến thành tựu. Sức mạnh chân ngôn “có thể làm con người đạt đến Phật tính (thành Phật) - thử hỏi ai còn muốn điều gì hơn nữa” (3). Vào khoảng năm 200 trước kỷ nguyên, Nagasena (Na Tiên Tỳ Khưu) trong “Kinh vấn vua Milinda” đã giảng rằng “thần chú chỉ có hiệu dụng ở những nơi mà ác nghiệp không thể nào tránh được”, lấy thí dụ điển hình trường hợp Mục Kiền Liên, một người đệ tử Phật nổi tiếng về thần thông lực đã không thể nào bảo vệ tính mạng chính mình do quả báo nghiệp ác trong quá khứ, bị giết chết bởi những tên cướp” (4).
Mặt khác, theo Mật giáo đọc tụng thần chú chân ngôn hay Đà la Ni chỉ có hiệu quả khi tuân thủ và sống theo những giới luật một cách tinh tế và nghiêm chỉnh. Trong Mật giáo có vô số thần chú chân ngôn, toàn thể được xem như một bộ môn khoa học rất chi tiết tỉ mỉ, kèm theo đó những quy luật đặc thù của nó. Tỷ dụ câu thần chú chân ngôn xướng tụng vị thần nam giới chữ tận cùng phải là HUM hay PHAT; nếu là nữ thần chữ cuối cùng phải là SVAHA; và nếu là vị thần trung tính không phải nam hay nữ, chữ cuối cùng phải là NAMAH. Hãy tạm để những chi tiết này sang một bên, thử tìm hiểu tại sao Mật giáo cho rằng đọc tụng những câu cú vô ý nghĩa lại có thể tạo ra hiệu quả lớn lao trên thế gian. Đương nhiên câu trả lời sức mạnh tinh thần tạo cho thần chú có hiệu nghiệm. Đọc thần chú là phương tiện tiếp cận với sức mạnh siêu nhiên những vị thần được nhân cách hóa ở xung quanh chúng ta mà mắt thường không thể thấy được. Hơn nữa những đấng tối cao giàu lòng từ bi truyền đạt lại cho chúng ta những thần chú chân ngôn này. Chẳng hạn như câu thần chú nổi tiếng ‘Om Mani Padme Hum’ (Âm Việt đọc là Ám Ma Ni Bát Mê Hồng) xuất hiện khắp mọi nơi bên Tây Tạng từ trong nhà cho đến ngoài đường, trên vách đá, trên những bánh xe cầu nguyện, và ở trên môi mọi người – cũng còn được xem như món quà tặng quý giá nhất của Quan Thế Âm Bồ Tát cho thế gian đầy đau khổ này.
Trong chương thứ tư của Đại Nhật Kinh có giảng dạy về sức mạnh của thần chú chân ngôn như sau:
“Nhờ bản nguyện chư Phật, Bồ Tát, có sức mạnh kỳ diệu trú ngụ bên trong câu thần chú chân ngôn, vì thế khi đọc tụng thần chú mọi người sẽ nhận được vô lượng vô biên công đức.”
và cũng trong Đại Nhật Kinh có nói rằng:”
“Xuyên qua đọc tụng thần chú, chúng ta đạt được điều như ý nguyện là nhờ công đức chư Phật gây ảnh hưởng sâu xa không thể nghĩ đến, tạo thần chú có sức mạnh linh thiêng.”(5)
Đọc thần chú cũng là phương cách mời gọi các thần thánh. Về mặt ngữ nguồn chữ Mantra có liên quan đến chữ ‘meimao’ của tiếng Hy Lạp, chữ này biểu hiện một niềm ước vọng sâu xa, mong mỏi với quyết tâm mãnh liệt, và nó cũng có tương quan gần với chữ ‘minn-ia’ thuộc ngôn ngữ cổ Đức quốc có nghĩa là kêu gọi, mời mọc.
Để bình giá đúng đắn vị trí đọc tụng thần chú chân ngôn trong nghi thức Mật giáo, chúng ta có thể tóm lược lại bằng bốn tác dụng do những cách đọc tụng được mô tả trong Đại Nhật Kinh như sau: Tác dụng thứ nhất là xướng tụng trong khi tham thiề n nhập định gồm bốn khía cạnh:(a) Đọc tụng thần chú chân ngôn trong khi tập trung tinh thần vào hình dạng những chữ - còn được gọi là ‘Tâm Chánh Giác’.(b) Phân biệt rõ âm từng chữ khác nhau. (c) Hiểu đầy đủ ý nghĩa từng câu. (d) Cuối cùng thực hành điều tức (hơi thở) có nghĩa qua thiền định điều chỉnh hơi thở để giao tiếp với tín đồ và chư Phật. Tiếp nối với tác dụng thứ nhất, xướng tụng trong tác dụng thứ hai và thứ ba là vừa đọc tụng vừa dâng hương hoa cúng dường chư Phật. Tác dụng cuối cùng thứ bốn là xướng tụng chân lý là khi chúng ta đạt được thành tựu xuyên qua sức mạnh thần chú chân ngôn.
II Cộng thêm vào âm thanh xướng tụng thần chú chân ngôn, những động tác của hành giả trong buổi lễ rất được coi trọng ở Mật giáo, từ đó đưa đến việc tạo thành phương pháp phức tạp dùng tay bắt ấn quyết để mang lại hiệu quả nhiều hơn. Một vài động tác bắt ấn quyết thường được xử dụng có thể thấy qua những tư thế các tượng Phật và Bồ Tát, và đó cũng là chỉ dấu quan trọng trong việc phân biệt đặc tính các bức tượng. Cũng không cần phải đi vào thêm chi tiết ở đây. Theo tín đồ đạo Hindu nhảy múa là hình thái ‘ca hát cùng với thân thể’; Do đó nhảy múa được coi trọng những cư dân vùng phía bắc Ấn Độ, và những quốc gia chịu ảnh hưởng Tây Tạng. Theo lý thuyết Mật giáo, mọi trường hợp, hành động trong nghi thức có giá trị phải bao gồm ba khía cạnh trong con người là thân, khẩu, ý. Thân thể tác động xuyên qua bắt ấn quyết, mồm (khẩu) tác động xuyên qua đọc chân ngôn, và ý tưởng tác động xuyên qua thiền định (Samadhi).
Mật giáo là tổng hợp nhu cầu tín ngưỡng dân gian, cùng với thực hành thiền định theo trường phái Du Già Hành và tư tưởng Trung Quán. Nói cách khác Mật giáo bao trọn tất cả những vị thần trong huyền thoại dân gian cho đến các yêu tinh, ma nữ, không chừa một vị thần nào cả. Tuy thế về mặt lý luận tín đồ Mật giáo chấp nhận giả thuyết hình nhi thượng học trong Bát Nhã Tâm Kinh, có nghĩa chỉ có một thực thể duy nhất chân thực trọn vẹn là tính Không. Mọi loại hình tướng khác cuối cùng là không thực, chỉ là sản phẩm tưởng tượng do ảo tưởng tạo thành. Do đó nhiều vị thần cũng là ảo tưởng, không có vị thần nào có thực cả. Với tư duy tự do con người hiện đại có thể hoàn toàn tán đồng chủ trương này. Tuy nhiên có khác biệt quan trọng giữa người Mật giáo và người tự do hiện đại, con người hiện đại cho rằng những vật xung quanh là thật, và những vị thần là những sản phẩm hư cấu tạo thành do những thất vọng có tính chất bản năng khi gặp phải những khó khăn trong đời sống ‘hiện thực’. Trong khi đó theo Mật giáo, mọi vật trên thế gian và thần thánh có cùng giá trị như nhau đều không thực khi so sánh với tính Không duy nhất bao la rộng lớn, còn về những câu chuyện huyền thoại biểu tượng cái gì đó có giá trị hơn những kinh nghiệm có được trong cuộc sống hằng ngày, biết cách xử dụng chúng có thể giúp chúng ta rất nhiều để đạt đến giải thoát khỏi những trói buộc trong thực tại.
Mật giáo thiết lập hệ thống tu tập thiền định về các vị thần qua bốn giai đoạn sau:
Trước hết mỗi người tự thấm nhuần tư tưởng tính Không theo từng cá nhân.
Giai đoạn thứ hai phải lập đi lập lại và liên tưởng đến những chữ (bija) được xem như chủng tử.
Giai đoạn thứ ba nhớ nằm lòng khái niệm về hình dạng các chư Phật, Bồ Tát được thấy ở các bức tượng.
Đến giai đoạn thứ tư, đồng nhất hóa bản thân và thần Phật, khi ấy trở thành Phật.
“Ngọn lửa tư tưởng tính Không đốt cháy ngũ uẩn, chúng không bao giờ trở lại.”
Một khi tự chính chúng ta cảm nhận đồng nhất với tính Không, khi ấy trạng thái tâm chúng ta được gọi là Bồ Đề Tâm.
Thật ra cũng cảm thấy hợp lý để bảo rằng bước đầu tiên hành giả phải thấm nhuần triệt để tư tưởng tính Không qua tham thiền nhập định, sau đó xuyên qua tính Không có thể nhìn thấy rõ toàn thể thế giới hiện tượng. Mật giáo tin rằng với trợ duyên của các âm thanh như AM. HUM, SVAHA, các thần thánh xuất hiện từ không gian hư ảo, một cách khách quan mà nói trước khi các nhà tu tập theo trường phái Du Già Hành vay mượn âm thanh để mời gọi thần thánh thì vẫn chưa có sự tồn tại các thần thánh. Đây cũng là đặc điểm của Mật giáo, và chỉ có giới tăng lữ Ai-Cập mới có khả năng tiếp nhận được sức mạnh huyền bí như thế mà thôi. Hầu hết mọi hệ thống tư tưởng về huyền thoại đều e ngại tính chất khách quan và sự tồn tại độc lập của thần thánh sẽ bị dần dần lấy đi mất. Thông thường quần chúng cho rằng xúc phạm đến thần thánh khi bảo rằng thần thánh không hiện hữu. Tuy nhiên ở Mật giáo, thần thánh chẳng qua là phản ảnh sức tưởng tượng một cách sáng tạo về đấng tối cao cho dù có những hạn chế về tập tục.
Ngoài ra Mạn Đà La (6), một mỹ thuật Phật giáo được nhiều người yêu thích biết đến, đóng vai trò trợ giúp quan trọng trong thiền định Mật giáo. Mạn Đà La là tấm họa đồ vẽ lên mối tương quan có tính chất vũ trụ, hay tinh thần của các thần, Phật, theo đó được dùng như cơ sở, nền tảng trong việc thâu đắc sức quan sát nội tâm, nhận thức được quy luật tinh thần. Mạn Đà La thường được vẽ lên trên tấm vải, hoặc trên giấy, hoặc trên mặt đất bằng những hạt gạo đã nhuộm đủ màu, hoặc bằng viên đá sỏi, hoặc được khắc trên đá hay kim loại. Hơn nữa mỗi trường phái Mật giáo đều có riêng tấm Mạn Đà La. Theo đó chư Phật, thánh thần được minh họa với hình dạng khác nhau, hoặc miêu tả bằng chữ Phạn kết cấu bởi mẫu âm (chủng tử), hoặc biểu hiện bằng những ký hiệu khác nhau. Một số Mạn Đà La cô đọng toàn thể vũ trụ, trình bày chi tiết tất cả không chỉ các Phật, Bồ Tát, mà còn có cả các thiên thần, ngã qủy, rừng, núi, biển cả, mười hai nhóm ngôi sao trong chiêm tinh học, và các vị tổ của những tôn giáo. Có thể nói Man Đà La là cái liên hệ trực thuộc đến thuật chú mang tính chất truyền thống từ cổ đại xa xưa.
Bước đầu tiên nhà chú thuật muốn mời gọi sức mạnh siêu nhiên, trước hết là phải tẩy trừ những ô uế ở xung quanh tấm bùa hình vòng tròn, và vòng tròn cũng chính là biểu hiện uy lực của chú thuật. Vào gần đây, C.G. Jung phát hiện thấy một số bệnh nhân của ông ta tự phát một cách không có chủ ý, vẽ những vòng tròn tương tự như Mạn Đà La của Phật giáo. Theo Jung vòng tròn hay hình vuông là những yếu tố cơ bản của Mạn Đà La, cho dù Jung chưa hề biết về phương pháp thiền định theo Mật giáo, nhưng ông ta có ý định phối hợp tư tưởng Mật giáo với vô thức trong tâm lý học. Đây phải chăng là điểm xuất phát cho công cuộc nghiên cứu lãnh vực mới trong tương lai.
Chú Thích:
1. Đoạn này trích từ quyển “Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện” quyển 1, Đại Tạng Kinh quyển 50, trang 224.
2. Trong Pháp Hoa Kinh, phẩm Như Lai Thần Thông, Đại Tạng Kinh quyển thứ 9, trang 51-52; Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh, phẩm Đà La Ni, Đại Tạng Kinh quyển thứ 16, trang 624-625.
3. Trích từ bộ kinh Mật giáo nổi tiếng Sadhabamala, trang 270.
4. Trích từ Kinh Vấn vua Milinda, cũng đã được nhà Phật Học Nhật Bản Nakamura Hajime dịch sang Nhật ngữ.
5. Trích từ Đại Nhật Kinh, tiếng Phạn gọi là Maha Vairocana Sutra.
6. Mandala, âm Hán gọi là Mạn Đà La, tiếng Nhật gọi là Mandara, tiếng Tây Tạng gọi là Thang-ka có nghĩa bức tranh biểu hiện toàn thể cảnh giới chư Phật, Bồ Tát và các Thánh Thần, được dùng như phương tiện trong Thiền Định.
Tư tưởng Mật giáo
Nếu bảo rằng Mật giáo mong đợi giải thoát do từ những hành vi thánh thiện, chắc hẳn Mật giáo phải trang bị khái niệm về vũ trụ, và những lý luận chứng tỏ những hành vi thánh thiện tất phải là đòn bẩy mang đến giải thoát. Vũ trụ bao gồm rất nhiều hình thái năng lượng, và đó cũng là những hình thái hoạt động các lực của thế giới. Xuyên qua
những hành vi thánh thiện – chúng ta làm thuận theo những lực vận chuyển của vũ trụ, và dùng chúng mang lại lợi ích cho những mục đích của chúng ta. Đồng thời những mục đích này cũng chính là mục đích của vũ trụ.
Đức Phật không còn chỉ là thực thể tinh thần siêu nhiên nữa, với tính chất phổ quát ở khắp mọi nơi của Phật tính đưa đến kết qủa Phật được hiểu như “Thân thể mang tính chất vũ trụ”. Sáu nguyên tố làm chất liệu tạo thành vật chất gồm có: Đất, nước, hỏa, gió, không khí và ý thức. Những yếu tố này cũng chính là bản thể tạo thành thân thể mang tính chất vũ trụ, thêm vào đó hành vi của thân, khẩu, ý là những tác động của vũ trụ. Thế gian không gì khác hơn là phản ảnh ánh sáng Đức Phật, có nơi ánh sáng tụ lại và có nơi ánh sáng phân tán mỏng đi. Đức Phật là một thực thể, tiềm ẩn trong khắp mọi vật, trong tâm hồn, trong sự sống, là chân lý cốt lõi ở trong tất cả. Ngay chính chúng ta cũng không phải cái gì xa lạ bên ngoài những thực thể này, và phải nỗ lực để hiểu rằng chính chúng ta là Phật và vũ trụ. Tất cả những tranh luận, biện luận và lý lẽ đều không mang lại lợi ích gì. Chỉ những hành động thực tiễn mang theo giá trị thần bí mới có thể trợ giúp chúng ta nhận thức hiện thực hóa tính chất gần gũi giữa bản thân và vũ trụ, cùng hòa nhập với Phật.
Thật ra cũng dễ hiểu để nhận thấy rằng tư tưởng này là sự triển khai tất yếu phát nguồn từ những học thuyết đã có từ trước ở Phật giáo. Chẳng hạn như theo trường phái Cổ Trí Tuệ, Niết Bàn là cái hoàn toàn đối trọi với thế gian này. Trong khi đó trường phái Đại thừa vào giai đoạn ban sơ bảo rằng tính Không là một thực thể tuyệt đối bao gồm Niết Bàn và thế gian. Sang đến Mật giáo, thế gian trở thành biểu hiện Pháp thân của Phật. Tương tự như thế các tín đồ Phật giáo ngày xưa chủ trương từ bỏ hoàn toàn bản ngã, ngày nay tư tưởng này được diễn đạt qua ngôn từ hình nhi thượng học hiện đại.
“Khi chính chúng ta nhận thức rằng chúng ta giống như mọi sự sống khác, là khi nguyên lý về sinh mạng trường cửu hiện hiển, là khi chúng ta hành động trong tinh thần vô ngã, vượt ra khỏi những lợi ích vị kỷ, cá nhân. Cũng khi đó chúng ta dốc toàn tâm toàn trí phụng sự thế gian mà không hề làm cản trở công việc phát triển tinh thần. Bởi vì xuyên qua việc thay đổi thái độ tinh thần về hiện tượng thế gian, chúng ta thực chất đã chinh phục thế gian này.”
(Còn tiếp)
Tùng Sơn