Liên minh Quốc tế Tiến bộ Tôn giáo và Tâm linh đặt ở Geneva, Thụy Sĩ (ICARUS) năm nay đã ban giải thưởng “Tôn giáo Tốt nhất Thế giới” cho Cộng Đồng Phật Giáo.
Giải thưởng đặc biệt này đã được bầu chọn trên bàn tròn quốc tế với hơn 200 nhà lãnh đạo tôn giáo. Điều thú vị cần lưu ý là nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã chọn Phật Giáo thay vì tôn giáo của họ, mặc dầu Phật tử chỉ là một thiểu số rất nhỏ trong số các thành viên ICARUS. Dưới đây là những ý kiến của bốn thành viên có quyền biểu quyết:
Jonna Hult, Giám đốc Nghiên cứu của ICARUS nói: Tôi không bất ngờ khi Phật giáo đã thắng giải thưởng “Tôn giáo Tốt nhất Thế giới”, bởi vì thật sự Phật Giáo không chủ trương chiến tranh. Chúng ta hầu như không tìm thấy một Phật tử đã từng ở trong quân đội. Những người này đều thực hành những gì họ nói, đến độ chúng ta không thể làm được bằng các truyền thống tâm linh khác.
Một linh mục Công giáo, Cha Ted O’Shaughnessy, đã nói từ Belfast: “Tôi rất yêu thương Giáo Hội Công Giáo. Nhưng điều luôn làm phiền tôi là chúng ta luôn rao giảng tình yêu trong Kinh Thánh, nhưng lại cho đó là ý Chúa mỗi khi nói đến việc giết hại con người. Vì lý do đó, tôi đã phải bỏ phiếu cho Phật Giáo.”
Giáo sĩ Đạo Hồi Tal Bin Wassad, nói từ Pakistan qua một thông dịch của ông: “Trong khi tôi là một người Hồi giáo mộ đạo, tôi có thể thấy sự giận dữ và máu đổ được đưa vào trong tôn giáo thay vì chỉ nên ở mức độ cá nhân. Người Phật tử đã thấy rõ điều đó.” Bin Wassad, một thành viên ICARUS bỏ phiếu của cộng đồng Hồi giáo lại tiếp tục nói: “Trong thực tế, một số bạn tốt nhất của tôi lại theo Phật Giáo”.
Và Rabbi Shmuel Wasserstein đến từ Jerusalem. “ Tất nhiên, tôi yêu đạo Do Thái, và tôi nghĩ đó là tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Nhưng nói thật, tôi đã thực hành Thiền Định mỗi ngày trước khi minyan (việc cầu nguyện hàng ngày của người Do Thái) từ năm 1993. Vì vậy, tôi hiểu được nó”.
Tuy nhiên, có một trở ngại: ICARUS không thể tìm thấy bất cứ ai để ban tặng giải thưởng này. Tất cả các Phật tử mà họ gọi đến lại luôn nói rằng họ không cần giải thưởng.
Khi được hỏi lý do tại sao cộng đồng Phật giáo Miến Điện từ chối giải thưởng, Sư Bhante Ghurata Hanta trả lời từ Miến Điện: “Chúng tôi rất biết ơn được quý vị công nhận, nhưng chúng ta nên ban giải thưởng này cho toàn nhân loại, bởi vì Phật tính có sẵn trong mỗi chúng ta”.
Ông Groehlichen nói: “ Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi cho đến khi chúng tôi tìm thấy một Phật tử bằng lòng nhận giải thưởng này. Chúng tôi sẽ cho ông biết khi nào chúng tôi làm được điều đó”.
Tất cả những khẳng định trên đây đều không thể kiểm chứng được, không biết tác giả tung bài này ra với mục đích gì? Điều nhiều phần đúng là nó khiến cho người Phật tử khó chịu thấy tôn giáo của họ bị đem ra làm trò cười, và thấy chính họ bị coi là ngớ ngẩn, cả tin, dễ bịp. Dù sao, nếu chuyện này có thật thì câu trả lời của sư Bhante Ghurata Hanta nào đó đã phản ảnh tinh thần Phật giáo thể hiện từ Đức Phật Thích Ca.
Garma C.C. Chang đối chiếu thái độ bao dung của Phật giáo với thái độ của các tôn giáo khác:
Nếu có một đặc điểm của giáo lý nhà Phật làm cho nó khác biệt với nhiều tôn giáo khác thì đó là tính bao nhiếp. Điều này đúng từ học thuyết căn bản về nghiệp (karma) lên đến những học thuyết về tính không (sunyata), về bồ đề tâm (bodhicitta), về pháp thân (dharmadhatu) của kinh Hoa Nghiêm (Hwa Yen). Nếu chúng ta so sánh giáo lý nhà Phật với giáo lý của các tôn giáo Tây phương, chúng ta cảm thấy rằng Phật giáo có khuynh hướng theo cách tiếp cận đa nguyên trong khi tôn giáo Tây phương có khuynh hướng giữ cách tiếp cận nhất nguyên. Có nhiều lý do kết hợp thành sự khác biệt này nhưng tôi nghĩ rằng lý do chính là trong khi truyền thống Do Thái-Ki tô giáo duy trì tính độc quyền của Chúa và tất cả những gì thuộc về Chúa thì trong Phật giáo yếu tố này hoàn toàn không có (The Buddhist Teaching of Totality, xxiii).
Vì không chấp trước vào một điều gì và không miệt thị các điều khác nên Phật giáo tuyệt đối khoan hòa đối với các tôn giáo khác.
Giáo sư Elman R. Service xác nhận:
Phật giáo không giống một tôn giáo Tây phương thông thường đòi hỏi tín tưởng vào một hậu đế hay một đấng cứu thế (Đức Phật từ chối không nhận là có thiên tính [divinity] nào cả), hay một giáo hội, hay một thiên đình và hỏa ngục, hay ngay cả kinh cầu nguyện (trừ các bài hát lễ), cũng chẳng có giới thầy cúng (tăng sĩ không phải là thầy cúng). Lại nữa, Phật giáo tuyệt trần khoan dung đối với các tôn giáo khác – ngay cả đối với các giáo phái riêng biệt của nó (Profiles in Ethnology, 382).
Tiến sĩ Ananda K. Coomaraswamy trích dẫn nhận định của tiến sĩ Daisetz Teitaro Suzuki:
Nhận thấy hiện thân của Pháp thân trong mọi vị lãnh đạo tinh thần bất luận quốc tịch và tín ngưỡng, những người theo Đại Thừa công nhận Socrates, Mohammed, Jesus, Francis of Assisi, Khổng tử, Lão tử, và nhiều vị khác, đều là chư Phật [Outlines of Mahayana Buddhism, 63] (Buddhism, 152).
Đại đức Walpola Rahula kể một
giai thoại chứng minh tính khoan dung của Đức Phật:
Một ngày kia, một nhóm Bà la môn học thức lỗi lạc đến viếng đức Phật và tranh luận rất lâu với Ngài. Một người trong bọn, một thiếu niên Bà la môn mười sáu tuổi tên là Kapathika, được cả bọn xem là thông minh xuất chúng, đã hỏi đức Phật:
“Tôn giả Gotama, có những bài thánh kinh xưa cũ của những người Bà la môn được truyền tụng liên tục qua những bản kinh khẩu truyền. Về những bài kinh ấy, những người Bà la môn đã có kết luận tuyệt đối này: `Chỉ có đây mới là chân lý, và mọi điều khác đều sai lầm’. Vậy Tôn giả Gotama sẽ nói gì về điều ấy?”
Đức Phật hỏi: “Trong những người Bà la môn, có một người Bà la môn nào tuyên bố tự mình biết và thấy rằng “chỉ có đây mới là chân lý, mọi điều khác đều là sai lầm chăng?”
Người thiếu niên thật thà đáp: “Không”.
- Thế thì, có một vị thầy nào, hay một vị thầy của những vị thầy nào trong những người Bà la môn mãi đến đời thứ bảy, hay cả đến bất cứ một người nào trong số những tác giả đầu tiên của những kinh điển ấy, đã tuyên bố rằng ông ta biết và thấy: “chỉ có đây mới là chân lý, mọi sự khác đều sai lầm?”
- Không.
- Vậy thì họ giống như một chuỗi những người mù nối đuôi nhau, người đầu tiên không thấy, người giữa không thấy, và người cuối cùng cũng không thấy. Như thế thì dường như trạng huống của những người Bà la môn giống như trạng huống của một chuỗi người mù”.
Rồi đức Phật cho nhóm người Bà la môn một lời khuyên vô cùng quan trọng: “Một người trí giữ gìn chân lý không nên đi đến kết luận: ‘Chỉ có đây mới là sự thật, và mọi điều khác đều sai lầm’”.
Khi người thiếu niên Bà la môn yêu cầu Ngài giải thích thế nào là “giữ gìn chân lý”, đức Phật dạy: “Một người có một lòng tin. Nếu y nói: ‘Đây là lòng tin của tôi’ như thế là cho đến như vậy, y gìn giữ sự thật. Nhưng từ đấy y không thể tiến lên đến kết luận tuyệt đối: ‘Chỉ có đây mới là chân lý và mọi sự khác đều sai lầm’. Nói cách khác một người có thể tin điều gì tùy ý, và có thể nói “tôi tin điều này”. Như thế là y tôn trọng sự thật.
Nhưng y không nên vì lòng tin ấy mà nói rằng chỉ có cái gì y tin mới là chân lý, và mọi sự khác đều sai”.
Đức Phật dạy: “Chấp trước vào một điều gì (một quan điểm nào) và miệt thị những điều khác (quan điểm khác) xem là thua kém -- đấy người trí giả gọi là một xiềng xích” (Tư Tưởng Phật Học: Con Đường Thoát Khổ, Bản dịch Thích nữ
Trí Hải, 13-5).
Sau Đức Phật, vào tk III TK (trước Kitô), vua A Dục (Asoka) cũng đề cao tinh thần bao dung ấy. Tuy đã hoán cải thành Phật giáo thuần thành và là một trong những nhà vua hộ pháp nhiệt tâm nhất, ông không đề ra và bắt phải theo một nghi lễ tôn giáo độc đoán nào, nhưng chỉ thuyết về Phật giáo riêng với giới tăng già mà thôi. Đối với các tôn giáo khác đương thời, gồm có Ấn giáo, Kỳ na giáo và giáo phái Ajivika chuyên tu khổ hạnh, ông rất công bằng và khuyến khích sống đời đạo hạnh (bhava sudhi), nhiệt tâm (usahena), tôn trọng lẫn nhau, đề cao giá trị nội tâm (bahu sruta), tự chế (sayame) và ngăn cấm việc xung đột tôn giáo. Ông đã không ngừng học hỏi đàm đạo với các vị chân tu của các tôn giáo. Đại Thạch Pháp Dụ số XII (bia ký Girnar), ban ra vào năm 256 TK, ghi: "Thiên tử, Vua Piyadasi tôn kính tất cả các bậc tu hành và các cư sĩ của các tôn giáo bằng cúng dường ngài ban và nhiều vinh dự. Nhưng Thiên tử, Vua Piyadasi không coi trọng cúng dường hay vinh dự bằng sự tăng trưởng đạo hạnh của người có tín ngưỡng. Sự tăng trưởng đạo hạnh có thể đạt được bằng nhiều lối, nhưng cái gốc rễ vẫn là phải kiềm chế lời nói, không được đề cao tôn giáo mình và phỉ báng tôn giáo khác một cách vô cớ, hoặc là khi đúng cớ thì lại quá đà. Dù bất kỳ lý do nào, tín ngưỡng của kẻ khác cần phải được tôn vinh. Có như vậy thì tôn giáo của mình cũng được lợi lộc, và tôn giáo của kẻ khác nữa. Ngược lại thì tôn giáo của mình bị tổn hại, và tôn giáo của kẻ khác nữa. Kẻ nào huyênh hoang về tôn giáo của mình vì cuồng tín và phỉ báng tôn giáo kẻ khác với ác ý “Để ta làm vinh quang đạo của ta”, thì chỉ làm tổn hại đến tôn giáo của mình. Vì thế, sự hòa đồng tôn giáo là điều tốt. Ai cũng phải lắng nghe và tôn kính giáo lý của đạo khác. Thiên tử, Vua Piyadasi muốn rằng mọi người nên tìm hiểu thêm giáo lý chân chính của tôn giáo khác. Kẽẻnào chỉ biết cố chấp với tôn giáo của mình thì phải được dạy rằng: Thiên tử, Vua Piyadasi không coi trọng cúng dường và vinh dự bằng sự tăng trưởng đạo hạnh của mọi tôn giáo. Để đạt đến điều này, các Pháp Đại thần, các Đại thần chuyên lo về hậu cung, những quan lại trông nom những vùng xa xôi và những quan lại khác phải tận tâm. Và kết quả là tôn giáo của mỗi người đều thăng tiến và Chánh Pháp cũng được rạng rỡ".
Gần đây hơn, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nhiều lần đề cao sự bình đẳng của mọi tôn giáo, điển hình là trong cuộc phỏng vấn của nhà thần học Ba Tây Leonardo Beoff:
- Kính thưa đức Thánh Thiện, tôn giáo nào tốt nhất?
- Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa bạn đến gần Thượng Đế. Đó là tôn giáo khiến cho bạn thành người tốt hơn.
- Cái gì làm tôi tốt hơn?
- Bất cứ cái gì khiến bạn từ bi hơn, cảm xúc hơn, xả ly hơn, yêu thương hơn, nhân đạo hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo lý hơn. Tôn giáo nào làm được như thế cho bạn là tôn giáo tốt nhất. Bạn ạ, tôi không quan tâm đến tôn giáo của bạn hay bạn có theo tôn giáo nào hay không. Cái quan trọng đối với tôi là cách cư xử của bạn đối với đồng hạng, gia đình, đồng sự, cộng đồng của bạn và đối với thế giới. Xin nhớ rằng, vũ trụ bình đẳng trước các hành động và ý nghĩ của chúng ta. Luật nhân quả không chỉ tuyệt đối áp dụng cho vật lý học. Nó cũng đúng cho các quan hệ nhân bản. Nếu tôi hành động với thiện ý, tôi sẽ nhận được thiện quả. Nếu tôi hành động với ác ý, tôi sẽ nhận được ác quả. Những điều mà các tổ phụ chúng ta dạy là sự thật thuần túy. Bạn hãy luôn luôn làm cho người khác cái mà bạn muốn làm cho chính bạn. Hạnh phúc không phải là một vấn đề định mệnh. Đó là một vấn đề lựa chọn. Cẩn thận với các tư tưởng của bạn bởi vì tư tưởng thành lời. Cẩn thận với lời của bạn bởi vì lời thành thói quen. Cẩn thận với thói quen của bạn bởi vì thói quen thành tính nết. Cẩn thận với tính nết của bạn bởi vì tính nết thành số mạng. Cẩn thận với số mạng của bạn bởi vì số mạng thành cuộc đời của bạn. Không có tôn giáo nào cao hơn chân lý.
Được dạy như vậy thì không chấp nhận được truyện "Phật Giáo Đã Được Giải Thưởng Tôn Giáo Tốt Nhất Thế Giới" do Liên minh Quốc tế Tiến bộ Tôn giáo và Tâm linh (International Coalition for the Advancement of Religious and Spirituality = ICARUS) ban cho.
Có một sự trùng hợp. Icarus theo thần thoại Tây phương là con của nghệ nhân thượng thặng Daedalus, người đã chế ra được đôi cánh bằng lông chim và sáp để hai cha con trốn khỏi mê cung của Minos. Khi cha con đã lắp đôi cánh lông chim vào cánh tay, Daedalus dặn con chớ bay gần mặt trời e sáp nóng quá chảy ra khiến lông chim rụng hết, nhưng Icarus kiêu ngạo không nghe lời cha, bay càng cao càng thích thú đến khi cánh rã ra lộn cổ xuống biển chết.
Tàu cũng có một thần thoại tương tự, Khoa Phụ truy nhật (Kua Fu Zhui Ri) ghi trong sách “Sơn Hải Kinh”, thiên “Đại hoang bắc kinh” và “Hải ngoại bắc kinh”, nguyên văn như sau: "Đại hoang chi trung, hữu sơn danh viết Thành Đô, tải thiên. Hữu nhân nhĩ lưỡng hoàng xà, bả lưỡng hoàng xà, danh viết Khoa Phụ. Hậu Thổ sinh Tín, Tín sinh Khoa Phụ. Khoa Phụ bất lượng lực, dục truy nhật cảnh, đãi chi ư Ngung Cốc. Tương ẩm hà nhi bất túc dã, tương tẩu đại trạch, vị chí, tử ư thử", dịch là: "Trong hoang mạc lớn có ngọn núi tên là Thành Đô, cao chọc trời. Có người đầu quấn hai con rắn vàng, tay cầm hai con rắn vàng, tên là Khoa Phụ. Hậu Thổ sinh ra Tín, Tín lại sinh ra Khoa Phụ. Khoa Phụ không tự lượng sức mình, đuổi theo mặt trời, đuổi tới tận Ngung Cốc (tức Ngu Uyên, theo truyền thuyết là nơi mặt trời lặn). Vì khát nước, uống nước sông nhưng không đủ, liền đi về phía đầm lớn, chưa đến nơi thì chết ở đây".
Đông Tây đều có thần thoại răn dạy bỏ thói kiêu ngạo. Những kẻ cuồng tín cho tôn giáo mình là nhất đã gây ra – hay bị lợi dụng để gây ra – biết bao cuộc "thánh chiến" làm thiệt hại biết bao nhân mạng, tài sản vật chất và tinh thần trong lịch sử nhân loại.
Ngay trong nội bộ Phật giáo cũng đã từng có những cuộc tranh chấp như thế. Thí dụ trường hợp Lục tổ Huệ Năng nếu không được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn bày ra muôn phương nghìn kế bảo vệ thì đã mất mạng ngay khi còn là cư sĩ bửa củi ở Huỳnh Mai. Ngũ tổ đã phải dùng giầy xóa bài kệ của Huệ Năng, canh ba lén truyền y bát cho ngài, lại dẫn ngài ra bến đò Cửu Giang chèo thuyền cho ngài đi trốn. Thế mà còn vài trăm người vốn thần phục giáo thọ sư thượng tọa Thần Tú cho là Huệ Năng không xứng đáng được truyền y bát, đuổi theo định cướp lại. Lục tổ phải vất vả lẩn trốn mới toàn mạng. Cuối cùng ngài phải ẩn náu trong đám thợ săn ở Tứ Hội 15 năm, sau đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp pháp sư Ấn Tống nhận ra, bái ngài làm thầy.
Pháp Bảo Đàn Kinh ghi: "Huệ Năng được pháp ở Đông Sơn, chịu tất cả những điều cay đắng, mạng giống như sợi chỉ mành..." nhưng ngài vẫn khiêm cung dạy: "Trong đời quá khứ cúng dường chư Phật, đồng gieo trồng căn lành mới nghe cái nhân được pháp môn đốn giáo này. Giáo ấy là các vị Thánh trước đã truyền, không phải tự trí Huệ Năng được, mong những người nghe các vị Thánh trước dạy, mỗi người khiến cho tâm được thanh tịnh, nghe rồi mỗi người tự trừ nghi, như những vị Thánh đời trước không khác" (Thích Thanh Từ. "Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải" trang 71).
Lục tổ là tấm gương sáng về tính khiêm cung mà hầu hết chúng ta hàng ngày cần phải soi vào để học hỏi.
Truyện "Phật Giáo Đã Được Giải Thưởng 'Tôn Giáo Tốt Nhất Thế Giới'" dù thật hay giả cũng là một cơ hội để chúng ta suy nghĩ. Trong thời buổi Internet cần hết sức thận trọng để khỏi bị rơi vào những cái bẫy mà mồi chính là lòng tự hào về tôn giáo của mình. Đây cũng là một dịp để ôn lại những bài học qúy giá mà chư cổ đức để lại cho chúng ta.
Tịnh Tâm