Nguyễn Trần Ai
Bài II - CẢI CÁCH
TỰA
Bài I đã trình bầy cuộc đời của Đức Phật từ khi đản sanh ở Vườn Lâm Tì Ni, đến khi giác ngộ tại Bồ Đề Đạo Tràng, rồi chuyển Pháp Luân ở Vườn Lộc Uyển, sau hết đại bát Niết Bàn ở Câu Thi Na. Bài II này sẽ đề cập đến công cuộc Cải Cách mà Ngài đã dành trọn đời để thực hiện.
Đức Phật sinh ra trong một xã hội đầy rẫy bất công trong đó có những loại người -- gọi là tập cấp -- bị coi không bằng súc vật. Hoàn cảnh ấy đã khiến Ngài khắc khoải muốn tìm hiểu căn nguyên của nỗi khổ đau của chúng sinh. Ngài không đành tâm an hưởng phú qúy trong cung vàng điện ngọc, quyết chí hy sinh bỏ vợ đẹp con ngoan đi tìm phương sách thay đổi xã hội cứu vớt chúng sinh và Ngài đã tìm được.
Từ một thái tử sống trong xa hoa vật chất Ngài đã thành đấng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng như mầm sen từ đám bùn lầy ngoi lên kết thành bông sen thơm ngát <*>. Tất cả chúng sinh đều là những mầm sen ngâm mình trong bùn. Phật giáo đến như một thôi lực thức tỉnh họ. Đức Phật muốn họ cũng vươn lên như Ngài. Ngài dạy họ con đường mà Ngài đã kinh qua. Không những thế, Ngài còn từ bi muốn rút ngắn con đường ấy bằng cách đưa ra tám vạn bốn ngàn pháp môn để chúng sinh tùy căn cơ lựa chọn pháp môn nào thích hợp nhất, ngõ hầu trước hết sửa đổi bản thân, nhiên hậu sửa đổi tha nhân. "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh".
Từ bấy đến nay không biết cơ man nào mà kể những người đã giác ngộ và được giải thoát khỏi vòng tục lụy. Tuy nhiên đa số con người phúc mỏng nghiệp dày vẫn còn ngụp lặn trong vô minh và loài người vẫn còn bị đọa đầy trong lầm than khổ ải.
Nếu nhân sinh không cần thay đổi thì không cần có Đức Phật và nếu đau khổ không còn tồn tại đến ngày nay thì Phật giáo đã tiêu vong.
Cải cách là lẽ sống (raison d'être) và là một sắc thái đặc thù của Phật giáo.
Đức Phật sau khi giác ngộ, vì từ bi đã chuyển Pháp luân, lê gót khắp nơi để hoàng pháp. Ngài còn chỉ thị cho các đệ tử cũng làm như thế. Đạo của Ngài đã chuyển hóa được mấy vị quân vương và các vua ấy đã dốc lòng phổ biến Phật giáo trong vương quốc của họ, lan sang cả những lân bang. Phật giáo nhờ vậy sớm được quảng bá.
Tuy nhiên sự phát triển của Phật giáo ra xa và mạnh nhất lại do một nghịch lý. Bị đàn áp ngay trong cái nôi của nó, Phật giáo đã bung ra thập phương tứ xứ. Cách đây khoảng hai thế kỷ, người Tây phương tự nhận là "văn minh" đem quân đi xâm lăng các nước Đông phương “lạc hậu” và tiếp xúc với Phật giáo. Họ đem về, như những chiến lợi phẩm, một số kinh sách Phật giáo. Vài học giả nghiên cứu những tài liệu ấy và họ bừng tỉnh, tìm được trong những cổ thư ấy chân lý sáng vằng vặc và một giải pháp cho vấn đề mà chính họ đã tạo ra nhưng không có khả năng giải quyết. Có thể nói do sự bại trận về quân sự, chính trị, kinh tế của các quốc gia theo Phật giáo mà Phật giáo đã chinh phục thế giới. Gần đây Cộng Sản xâm lăng Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong dẫn theo một số thần dân và bây giờ hình bóng của ngài xuất hiện khắp nơi trên thế giới; các vị lạt ma mở các lớp dạy Phật giáo Tây Tạng cho mọi dân tộc. Cộng Sản cưỡng chiếm Việt Nam và ngày nay chùa Việt Nam mọc lên nhan nhản ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Nghịch lý này chỉ có thể xẩy ra vì Phật giáo có một chân giá trị. Không cần nhìn đâu xa, cứ nhìn nước Tàu bên cạnh, một nước tự phụ có nền văn minh cổ lấy Khổng Lão làm căn bản văn hóa. Thế mà khi Phật giáo xuất hiện nhiều nguyên tắc cổ điển Tàu đã phải nhượng bộ. Những ý niệm quan trọng nhất như "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" <**> đành phải lùi bước trước chủ trương độc thân xa lánh thế sự (Tăng già) của Phật giáo đến nỗi có nhà Nho hậm hực thốt ra những lời thiếu Nho phong, "Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch nên người" <***>. Nhưng cuối đời cũng bừng tỉnh chấp nhận Phật giáo trong nguyên lý "tam giáo đồng nguyên" <****>.
Phật giáo thuyết phục chỉ nhờ chân giá trị mà thôi chứ không nhờ bất kỳ một áp lực nào, vật chất cũng như tinh thần, trực tiếp cũng như gián tiếp. Trong suốt lịch sử Phật giáo chưa hề có một giọt máu nào bị phí phạm để bành trướng. Trái lại, một số tôn giáo khác đã cố áp đặt, máu đổ thành sông, thây chất thành núi như trước kia và bây giờ.
Vì thế theo thống kê, tuy là một tôn giáo thế giới cổ nhất, Phật giáo có số tín đồ ít nhất sau Kitô giáo và Hồi giáo. Thống kê là thế nhưng làm sao định nghĩa được thế nào là Phật giáo đồ? Nếu phải quy y mới là Phật giáo đồ thì số Phật giáo đồ còn ít hơn nhiều, nhưng Phật giáo không phân biệt người quy y và người không quy y, thậm chí có nhiều người đã là Phật giáo đồ trong tâm tư nhưng chính thức vẫn theo các tôn giáo khác. Bất cứ ai nhận được và theo chân lý đạo Phật đều được coi là Phật giáo đồ không cần phải qua một nghi lễ nào cả.
Nhờ phóng khoáng như thế, Phật giáo có thể thích ứng được với mọi môi trường, mọi thời đại nên có thể được coi như một tôn giáo thế giới thực sự (catholique, do Hi ngữ katholikos = universel) không nệ vào hình thức, không có thánh kinh, không có giáo hội, không có giáo hoàng.
Phật giáo chú trọng nhất là con người vì chỉ con người mới có thể tự kiện toàn thành Phật. Cũng là con người, không biết thì không gì xấu xa hơn, biết rồi thì không gì cao thượng cho bằng; không biết thì đời là bể khổ, biết rồi thì luân hồi là Niết Bàn. Phật đạo có thể định nghĩa như là con đường từ không biết đến biết, từ xấu cải biến thành tốt. Đó là cải cách.
Bài II này được chia làm 4 chương:
Chương I. Bối cảnh lịch sử
Chương II. Cải cách Phật giáo
Chương III. Hoằng dương Phật pháp
Chương IV. Phật giáo ngày nay.
Chú thích:
<*> Trong quyển "Quốc Văn Giáo Khoa Thư" lớp Đồng Ấu có bài: "Trong đầm gì dẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Có người phê bình rằng bông sen từ bùn chứ không phải gần bùn. Bài kệ của thiền sư Minh Lương (thế kỷ XVII) rõ hơn: "Mỹ ngọc tàng ngoan thạch. Liên hoa xuất ư nê. Tu tri sanh tử xứ. Ngộ thị tức Bồ-đề", dịch là "Ngọc quí ẩn trong đá. Hoa sen mọc từ bùn. Nên biết chỗ sanh tử. Ngộ vốn thật Bồ-đề".
<**>
Mạnh Tử viết:
(1) a ý khúc tòng hãm thân bất nghĩa, nhất bất hiếu dã
(2) lương cùng thân lão bất vi lộc sĩ nhị bất hiếu dã
(3) bất thú vô tử, tuyệt tổ tiên tự tam bất hiếu dã.
Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại
Mạnh Tử nói rằng:
1- hùa theo cha mẹ để cha mẹ mắc vào chỗ bất
nghĩa là tội bất hiếu thứ nhất.
2- nhà nghèo mà cha mẹ lại già, thế mà không chịu ra làm quan để lấy bổng lộc
mà phụng dưỡng cha mẹ là tội bất hiếu thứ hai.
3- không chịu lấy vợ, không có con nối dõi để cúng tế ông bà tổ tiên là tội bất
hiếu thứ ba.
Trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất.
Vì tiếng Tàu không có các dấu
chấm câu nên trong nhiều trường hợp có thể diễn dịch khác nhau. Có người dịch:
1. Nghe lời mù quáng, đem thân hy sinh cho việc không chánh nghĩa, là điều bất
hiếu thứ nhất.
2. Thương cha mẹ già, không ra làm việc giúp đời, là điều bất hiếu thứ hai.
3. Không lấy vợ, sanh con, để dòng họ không người nối dõi, là điều bất hiếu thứ
ba.
Trong ba điều bất hiếu, không con là tội nặng nhất.
<***> Câu này lấy từ tích Nguyễn Công Trứ
(1778-1858) đối đáp với sư:
Làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là quê của Nguyễn Công Trứ (NCT)
nên ông được gọi là "Uy Viễn tướng công". Gần làng có một ngôi chùa,
vị sư trú trì là người tài cao học rộng nhưng rất kiêu ngạo, hiếu thắng. Một
hôm NCT đến thăm, thấy ngoài sân trong điện không có ai, lại đang khát nên đi
thẳng vào bếp để tìm nước uống, thì gặp sư trú trì đang lúi húi bên bếp. Quay lại
nhìn người lạ, vị sư buông ra một câu không mấy hiếu khách:
- Khách khứa kể chi ông núc bếp [1].
NCT nhìn quanh, thấy một cái vại ở góc bếp, liền ứng khẩu đối lại:
- Trai chay mà có vại cà sư? [2]
Nhà sư cho rằng NCT châm biếm mình có tư tình với bà vãi, nên chắp tay nhìn
lên tượng Phật đọc một câu như thanh minh cho sự đứng đắn của mình:
- Xin chứng minh cho, Nam mô A Di Đà Phật.
NCT chỉ vào cái kiềng trên bếp và cất tiếng đối lại:
- Có giám sát đó, Đông Trù Tư mệnh Táo quân!
Đông trù Tư mệnh Táo quân là thần coi bếp, cầm giữ bản mệnh của gia chủ. Bên mời
Phật, bên nhờ thần ra minh chứng, quả thực là hay; lại Đông đối với Nam, Quân đối
với Phật thì thật là tài! Nhà sư vừa tức vừa hoảng, không ngờ gặp phải đối thủ
trẻ tuổi mà cao cường đến vậy, liền hạ một chiêu cuối cùng, vừa vỗ ngực ta đây
vừa hăm doạ đối thủ:
- Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng thiên địa thánh thần nhưng khác tục!
NCT cũng đối ngay:
-
Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người! [3]
NCT là người Trung, dùng một số từ địa phương cần giải thích:
1. Người Nghệ gọi ông đầu rau là ông núc bếp; câu này còn có ý diễu cợt: khách
khứa gì mà lại xông (núc) vào bếp nhà người ta!
2. Trai chay: Trai giới và chay tịnh. Tiếng Nghệ chữ “vại” (vật bằng sành dùng để đựng cà) và “vãi” (ni cô) đều đọc như nhau, nên câu này còn có ý trêu chọc: Nơi trai chay sao lại có (bà) vãi cà (động từ: áp sát, cọ xát) ông sư?
3. Cái hay là kệ đối với kinh. Mặc kệ là bất chấp. Câu này có ý nói làm sư đi tu là không giữ trọn đạo quân thần phụ tử, dầu có đọc hết kinh sách cũng không phải là người tốt.
<****> Về già, Nguyễn Công Trứ thức tỉnh làm bài "Vịnh Phật":
Thuyền từ một lá chơi vơi
Bể trần chở biết bao người trầm luân.
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.
Chiếc thuyền từ một lá chơi vơi,
Vớt chìm đắm đưa người lên cõi tỉnh.
Chữ "kiến tính" cũng là "suất tính" [1]
Trong ống dòm đổ tiếng hư vô,
Kẻ muốn đem "nhân kỳ nhân, hỏa kỳ thư, ly kỳ cư" [2]
Song đạo thống vẫn rành rành công cứ.
Bạng y thiên lý hành tương khứ
Đô tự nhân tâm tố xuất lai [3].
Bát khang trang chẳng chút chông gai
Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc [4].
Trong nhật dụng sao rằng đạo khác
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa
Nghiệp duyên vốn tự mình ra
Rơi vuông tấc có thiên đường, địa ngục.
Vì chưa thoát lòng trần mắt thịt
Nên mơ màng một bước một khơi
Khiến cho phiền muộn Như Lai.
[1] "Kiến tính" là chữ của nhà Phật, "suất tính" là chữ của nhà Nho. Sách Trung Dung có câu : "Tiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giác" (Cái mà mệnh trời phó cho là Tính. Noi theo Tính gọi là Đạo. Sửa cho hợp với Đạo gọi là Giác).
[2] Bài biểu của Hàn Dũ ngăn rước Xá lợi Phật, đã đề xuất : Bắt Tăng sĩ hoàn tục (Nhân kỳ nhân), đốt kinh sách Phật (Hoả kỳ thư), và tịch thu tự viên (Ly kỳ cư).
[3] Hai câu thơ chữ Hán có nghĩa :"Đạo dựa theo lẽ trời mà ra, đều từ nơi tâm người mà lại".
[4] Hà Lạc tức Hà Đồ và Lạc Thư, khởi nguyên của kinh Dịch. Cả hai câu "Bát khang trang…..một dòng Hà Lạc" ý nói "Bình bát rộng của Phật có thể chứa đầy triết học Hà Đồ, Lạc Thư", tức cho Phật giáo và kinh Dịch có những điểm tương dung, tương nhiếp.
Tác giả Đào Nguyên phê bình:
"Và đây là những nhận định hết sức sâu sắc, tỉnh táo và xác đáng về Phật giáo. Vậy bài thơ trên đã ra đời trong hoàn cảnh nào? Không thể trả lời dứt khoát được. Nhưng nếu đặt nó trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Uy viễn Tướng công, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, những kiến giải đậm đà hình tượng về Phật học kia hẳn đã được đúc kết vào chặng cuối của cuộc đời ông, sau cái thời kỳ hăng say của một Nho sĩ tha thiết với lý tưởng trị – bình của Nho giáo, cho dù cái mục tiêu cao cả mà ông đặt ra đó còn nặng về sách vở hơn là thực tế. Dần dà, qua thực tiễn của thời đại và cuộc sống, Nguyễn Công Trứ đã nhận chân ra lắm vấn đề, lắm sự việc, mà các phạm trù hành xử của kẻ sĩ chính thống không thể thâu tóm hết. Cùng với tầm nhìn được mở rộng thêm như thế, hẳn họ Nguyễn đã có dịp để nhìn lại kỹ càng hơn, đúng đắn hơn về đạo Phật, một đạo Phật vốn không xa lạ gì đối với quê hương đất nước mình, vậy mà có lần – theo giai thoại được truyền tụng – vì quá say sưa với lý tưởng quân – thần, ông đã phát biểu: "Hay tám vạn tư mặc kệ, chẳng quân thần, phụ tử, đếch ra người!". Do vậy, viết về Phật giáo, đối với Nguyễn Công Trứ, cũng chính là sự khẳng định cho tính chất bùng vỡ nơi tâm thức của chính mình. Và với một con người thiên về lý trí, nên những trình bày qua bài hát nói kể trên thật rõ ràng, khúc chiết.
Theo Nguyễn Công Trứ, tầm bao quát của Phật giáo là hết sức rộng lớn: "Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài", nhưng trọng tâm của nó vẫn là cứu khổ, cứu vớt chúng sinh đang bị chìm đắm nơi biển trầm luân, đưa về cõi tỉnh. Và khi cho rằng: "Trong nhật dụng sao rằng đạo khác", là Nguyễn Công Trứ đã lý giải được mối tương quan giữa tương đối và tuyệt đối, giữa nhập thế và xuất thế, theo Phật giáo – thuật ngữ Phật học gọi là Tục đế và Chân đế. Ở thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã bày tỏ: "Tôi thiết nghĩ : Tôn chỉ của pháp môn – tức đạo Phật – chủ yếu cho mọi việc ở thế gian đều là hư vọng, cho nên tu thành bậc Chánh giác để vượt ra ngoài lục trần, khi đã thành diệu đạo tuyệt đối thì yêu thương chúng sinh, bố thí mọi phương tiện, có người nào muốn tu thành chánh giác – xuất gia – thì giúp cho họ được viên thông, người nào muốn làm tròn nhân đạo – tại gia – thì cũng giúp cho họ được thành tựu, không phải là muốn người ta bỏ hết cương thường, luân lý đâu" (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB.KHXH, H., 1978, tr.367).
Chính vì không thành đạt, nên đám Nho sĩ thiển cận, theo Nguyễn Công Trứ, đã nhìn cuộc sống qua chiếc ống dòm, nên đã cho Phật giáo là "hư vô": "Trong ống dòm đổ tiếng hư vô", kể cả những kẻ sĩ đã từng đọc tụng bao nhiêu là sách Nho, sách Phật, vẫn không nhận ra được một số điểm tương đồng cơ bản, vì cùng nhằm phát huy cái phần tốt đẹp vốn có nơi con người: "Chữ "kiến tính" cũng là "suất tính".
Hơn nữa, vẫn theo Nguyễn Công Trứ, cái ước muốn tiêu diệt Phật giáo một cách quá cuồng nhiệt của Hàn Dũ (768-824) <*****> đời Đường (618-906), cho dù thực hiện được, cũng không thể ngăn nổi bước phát triển hợp thiên lý và nhân tâm của đạo Phật: "Kẻ muốn đem "nhân kỳ nhân", "hỏa kỳ thư", "ly kỳ cư", Song đạo thống vẫn rành rành công cứ".
Cho nên, khi nhấn mạnh: "Cái luân hồi chẳng ở đâu xa, Nghiệp duyên vốn tự mình ra
Nơi vuông tấc có thiên đường, địa ngục" là Nguyễn Công Trứ đã tự chứng tỏ sự thấu đạt Phật học hết sức sâu sắc của mình.
<*****> Hàn Dũ giữ chức Hình bộ thị lang đời vua Đường Hiến Tông, do can ngăn việc rước cốt Phật nên bị biếm làm thứ sử Triều Châu, về già lại rất mộ Phật và thân với thiền sư Bảo Thông (732-824) tự hiệu là Đại Điên Hòa Thượng thuộc phái thiền Tào Khê, lập thiền viện Linh Sơn ở bên dưới ngọn U Lĩnh phía Tây Triều Châu, "ra vào có cọp dữ cùng theo".
(Còn tiếp)
Nguyễn Trần Ai