NĂM QUÝ TỴ NÓI CHUYỆN RẮN
Rắn thuộc loài bò sát, cùng loại với thằn lằn, nhưng không có chân, trườn mình rất nhanh, sống ở dưới đất, tự làm tổ hay ẩn núp ở những đống rác, nơi bụi rậm, cỏ mọc um tùm. Thỉnh thoảng rắn còn đào hang trong những gốc cây lớn, có nhiều rễ. Rắn có hai loại: không nọc độc và có nọc độc.
- Rắn không nọc độc như: rắn liu diu, rắn hổ run, rắn thằn lằn, rắn nước ngọt trong ruộng lúa.
- Rắn có nọc độc như: rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn lục, rắn lục đuôi đỏ…
Rắn có nọc độc giống như có vũ khí để tiêu diệt con mồi - rắn thường bắt những con vật nhỏ để ăn, vào ban đêm như: chuột, cóc, ngóe, gà, vịt con… Rắn dùng nọc độc phun khi cắn vào con mồi, làm con mồi bị tê liệt. Khi đã bị rắn vồ thì con mồi không thể nào thoát khỏi tử thần, nếu có thoát được trong giây lát thì nọc độc của rắn cũng truyền vào tim, sẽ chết sau đó!
Con người khi bị rắn cắn phải lập tức dùng dây buộc chặt vết thương và phải đi ngay đến bệnh viện cấp cứu. Nếu để lâu có thể chết vì nọc độc.
Những loại rắn có nọc độc điển hình ở vùng Đông Nam Á là:
- Rắn hổ mang: rất độc, 1gr nọc độc của rắn có thể giết chết 10,000 con chuột hoặc một bầy ngựa 20,000kg hoặc 167 người, mỗi người trung bình cân nặng 60kg. Rắn hổ mang có vẩy nhiều mầu, đầu dẹp, phùng mang như đầu cọp. Rắn này thuộc loại phun nọc độc, khi trườn đi phát ra tiếng xì xào, sột soạt như tiếng gió cuốn lá cây, vì thân hình rắn to và dài.
- Rắn lục: loại rắn này cũng rất độc, thân nhỏ và dài màu xanh da lục từ 1ft trở lên, bám mình vào cành cây hay các bờ dậu và khi thấy bất cứ con mồi nào đi qua, kể cả người, là bổ xuống dùng đuôi cuốn đối tượng, rồi đưa đầu cắn thả nọc độc vào khiến con mồi phải chết –
- Rắn cạp nong: là loại rắn có mắt nhỏ, giữa sống lưng có gờ dọc, thân có khoanh đen hoặc vàng, có khi trắng xen kẽ. Chúng chủ yếu cũng ăn những loài rắn khác nhỏ hơn, và ểch nhái, chuột, gà vịt v.v… Số lượng nọc độc của rắn cạp nong còn độc gấp 4 lần rắn hổ mang, theo sự nghiên cứu của các chuyên viên động vật thuộc bệnh viện hoang dã miền Nam Essex.
- Rắn lục đuôi đỏ: thuộc loại có nọc độc đứng sau loài hổ mang chúa.
- Rắn mãng xà: con vật này cũng thuộc loại họ nhà rắn, tuy không phun nọc độc, nhưng rất nguy hiểm cho người và vật nào gặp mà không nhận ra nó; loại này còn được gọi là con trăn, thân to, mầu nâu xậm như một khúc cây, nằm dấu đầu, người đi rừng gặp thường tưởng là khúc cây, ngồi nghỉ chân lên, lập tức nó cuốn chặt con mồi khiến cho xương bị gẫy nát – khi con mồi chết mãng xà (trăn) sẽ nuốt trọn vào bụng. Có con mãng xà dài mấy thước tây và lăn đi nhanh như gió.
Theo
sinh vật học, nếu rắn không nọc độc thì đẻ ra trứng, còn nếu thuộc loại rắn độc
thì đẻ ra con. Khi rắn đẻ ra con, thì sau khi sanh xong, rắn mẹ sẽ phải chết. Bởi
vì trước khi lâm bồn rắn mẹ phải quằn quại
đưa đuôi cuốn vào một thân cây, đầu chúc xuống đất để bụng rắn mẹ vỡ ra cho con
chui xuống.
Rắn sống lâu hơn các loài khác, khi rắn già rồi thì lột da. Rắn ăn bằng cách nuốt
trọn con mồi – theo y học nọc rắn còn có thể được biến chế để làm thuốc chủng
ngừa. Trong dân gian Việt Nam,
người ta dùng rắn ngâm rượu để chữa bệnh đau nhức, ở miền quê người ta còn làm
thịt rắn để ăn.
Có nhiều giai thoại về rắn như một con vật ghê gớm và xảo quyệt. Nổi tiếng nhất là câu truyện về Thị Lộ, đại khái như sau:
Thời vua Lê Thái Tông là một thời kỳ thịnh trị - nhà vua trọng dụng nhân tài, canh tân ruộng đất, cải tổ giáo dục. Từ thành thị cho đến thôn quê các trường học được lập ra khắp nơi. Trong quần thần có ngài Nguyễn Trãi là nổi bật vì tuổi trẻ tài cao, kiến thức uyên bác, nên được vua giao cho việc xây dựng trường học để phổ biến trong dân gian và mở các khoa thi tuyển người tài giỏi.
Nguyễn Trãi được giao cho nhiều vùng đất còn hoang dã, phải khai quang rồi mới xây dựng trường học được. Có một khu đất nhiều bụi tre, cổ thụ, cỏ mọc um tùm, tất cả đã được dọn sạch, duy chỉ còn một gốc cây cổ thụ rất lớn và khô cằn là chưa thể cắt bỏ, còn chờ lệnh của ngài Nguyễn.
Đêm hôm đó, ngài Nguyễn Trãi nằm mộng thấy một người đàn bà đến van xin ngài hãy lui lại một thời gian để bà sinh nở các con, sau khi sinh rồi chúng sẽ tìm nơi khác để ở.
Nguyễn Trãi không tin vào giấc mơ này, cho là không có người nào lại ở trong gốc cây. Đến sáng hôm sau, ngài ra lệnh cho phép phá gốc cây bằng cách đốt đi, khi cháy thành tro rồi sẽ dễ bề thu dọn hơn. Khi đốt gốc cây, khói xông ra một mùi hôi thối, lúc dọn dẹp thì thấy có một ổ rắn: xác rắn mẹ và một bầy rắn con!
Kể từ đấy khu đất được xây thành trường học nhiều phòng ốc khang trang. Ngài Nguyễn Trãi tài giỏi làm việc gì cũng tốt đẹp, khiến triều đình rất vừa ý.
Nhưng không ngờ, ngài đã tạo một nghiệp sát sinh khiến sau này phải nhận lãnh quả báo thê thảm. Con rắn bị đốt chết ở gốc cây đã mang mối hận thâm sâu đối với ngài, và nhất quyết trả thù.
Sự trả thù đã được thực hiện qua một người
con gái tên là Nguyễn thị Lộ. Nàng sinh ra trong một gia đình ở quận Tây Hồ, có
nghề làm chiếu. Nàng rất thông minh và xinh đẹp, giỏi văn thơ và lại đảm đang
tháo vát. Mười bẩy tuổi, Thị Lộ luôn đi bán chiếu trong vùng, nơi ngài Nguyễn
Trãi thường hay đến đó đi dạo những lúc nhàn tản. Tình cờ một hôm gặp Thị Lộ, thấy cô nàng xinh
đẹp giỏi giang, Nguyễn Trãi đã làm 4 câu thơ như sau:
Nàng ở nơi nào bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh độ chừng bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Thị
Lộ đáp lại bằng một bài thơ không kém phần sắc bén:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ sao ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vào độ, trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con?
Sau nhiều lần làm thơ xướng họa, hai bên đã tâm đầu ý hợp. Năm đó Nguyễn Trãi đã ngoài 50, muốn tìm ý trung nhân làm thiếp vì tiện nội đã vắng bóng…Và như thế, nàng Thị Lộ đã về làm thiếp nhà Nguyễn Trãi.
Thị Lộ vừa đẹp, vừa tài giỏi tháo vát, khiến ngài Nguyễn Trãi rất mực yêu thương. Nàng được ngài cho phép góp ý về mọi việc, từ những việc gia đạo, đến việc triều chính mà Nguyễn Trãi được giao đảm đương.
Năm 1435, Nguyễn Trãi được tiến cử vào dạy vua ở Tòa Kinh Diên, được nhà vua tín cẩn hết mực. Theo lịch sử, năm 1442, triều đình cho mở khoa thi Tiến sĩ đầu tiên, Nguyễn Trãi ở trong ban giám khảo. Tháng 7 âm lịch, con trai của vua Lê Thái Tông và bà thứ phi Ngô thị Ngọc Dao là Lê Tư Thành phạm luật gì không rõ, hoàng hậu là Nguyễn thị Anh toan đuổi hoàng tử Tư Thành và mẹ là Ngọc Dao ra khỏi hoàng cung. Nguyễn Trãi và Thị Lộ cứu hai mẹ con bà thoát khỏi tay của hoàng hậu
Tháng 8 âm lịch, vua đi duyệt võ ở Chí Linh ghé thăm Nguyễn Trãi, sau đó Nguyễn thị Lộ theo xa giá vua về kinh. Vua băng hà đột ngột tại vườn Lệ Chi ngày 16 tháng 8 năm 1442. Nguyễn Trãi bị bắt, đến ngày 19 tháng 9 năm 1442, bị xử “Tru Di Tam Tộc” vì bị nghi là đầu độc vua, được gọi là vụ án Lệ Chi Viên.
Trong khi đó tại nhà Nguyễn Trãi, người ta thấy Nguyễn thị Lộ hóa thành con rắn, chui xuống ao hồ biến mất.
Năm 1459 Kỷ Mão, Lê Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1464, nhà vua xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi và phong tặng tước hiệu “Tân Trú Bá”, bổ dụng con trai Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ đã trốn thoát là tri huyện.
Nguyễn Trãi là bậc trung thần có tài thi văn, làm nhiều bài thơ hịch chống ngoại xâm, cả cuộc đời ngài đã theo phò nhà hậu Lê kể từ vua Lê Lợi, chỉ vì một người con gái, mà người ta cho là con rắn báo thù, nên đã bị chết một cách oan uổng.
Với những đặc tính: cắn chết người, dụ dỗ người và trả thù người, rắn quả thật là một con vật ghê gớm đáng sợ!
Bởi vậy dân gian thường hay có câu: “Khẩu Phật tâm xà” để chỉ cho những người miệng nói điều tốt mà trong lòng nham hiểm. Như vậy, ở đời chúng ta cũng nên cẩn thận đừng tin vào những lời nói dịu ngọt, có khi bị “thân bại danh liệt” không chừng!
Năm Quý Tỵ 2013, kính chúc quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng, mọi sự cát tường như ý.
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật
Quý Tỵ
2013
Diệu Trí